Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm, xin lỗi nhân dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất và quyết tâm sửa sai. Người nói: "... Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
Từ một việc cụ thể như thế, chúng ta thấy rõ quan điểm của Đảng và Bác Hồ là luôn thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm - nếu có, với thái độ nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm sửa chữa; xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Đó cũng là bản lĩnh chính trị của một đảng cách mạng chân chính.
Trong quá trình làm việc, chúng ta khó tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Song, điều quan trọng là phải thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm với thái độ nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm sửa chữa.
Chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh nên Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy việc lạm dụng quyền lực, chủ nghĩa cá nhân là nguy cơ dẫn đến sự suy yếu của Đảng. Vì thế, năm 1947, Người viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" và "Đời sống mới" nhằm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về phương pháp, phong cách lãnh đạo trên cơ sở thực hành đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Từ những lời dạy và chỉ dẫn của Người về những bài học trong công tác xây dựng Đảng, các cơ sở Đảng rất cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, sức "đề kháng" cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, đẩy lùi mầm mống tham nhũng, tiêu cực. Phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, hết sức quan trọng của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và cả hệ thống chính trị.
Cấp ủy Đảng các cấp, mà trực tiếp là bí thư, cần nêu cao trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng; nhanh chóng phát hiện, đẩy lùi nguy cơ suy thoái của cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, cần tích cực nắm bắt tình hình, bám sát địa bàn, cơ sở, kịp thời định hướng dư luận xã hội, giải quyết đúng đắn, hiệu quả những vấn đề bức xúc, tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, phê phán những tư tưởng lệch lạc, thông tin xấu độc, sai sự thật, chưa được kiểm chứng và những biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, đảng viên, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng quán triệt: "Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được. Ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm".