Đánh giá cao phản ứng nhanh nhạy của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) những ngày qua, song ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cho rằng nên để tỉ giá biến động linh hoạt, chỉ khi nào áp lực quá lớn mà các nước khác bắt buộc phải can thiệp thì mới cần can thiệp.
Ông Nguyễn Xuân Thành
Nói đến những tác động tiêu cực từ bên ngoài, một vấn đề đang rất nóng hiện nay là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo ông, vấn đề này tác động thế nào đến Việt Nam?
Ngoài Trung Quốc và Mỹ, bị ảnh hưởng nhất là những nền kinh tế có các tỷ lệ sau đây ở mức cao: xuất khẩu/GDP, xuất khẩu sang Trung Quốc/tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sau đó xuất sang Mỹ.
Hai thước đo đầu của Việt Nam là rất cao nhưng thước đo thứ ba thì chỉ ở mức trung bình, thấp hơn nhiều so với Đài Loan, Malaysia, Singapore và Philippines. Kết hợp lại thì Việt Nam ở trong nhóm các nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chiến tranh thương mại, nhưng ngay cả trong tình huống xấu nhất là Mỹ áp thuế như dự kiến và Trung Quốc đáp trả thì mức ảnh hưởng tiêu cực xét về suy giảm kim ngạch xuất khẩu là nhỏ.
Nhưng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng có lợi cho những nền kinh tế có hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ cạnh tranh với hàng từ Trung Quốc. Đã có động thái cho thấy các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ thay vì đặt đơn hàng Trung Quốc và chịu thuế cao thì sẽ chuyển sang nhập hàng từ các nền kinh tế khác.
Điều này đúng với Việt Nam, đặc biệt là đối với nhóm hàng may mặc và giày dép. Nhưng thách thức là hiện tượng “transshipment” - hàng Trung Quốc sang Việt Nam và được ghi là “Made in Việt Nam” để xuất sang Mỹ. Về mặt chính sách, nếu Việt Nam không kiểm soát được điều này thì Bộ Thương mại Mỹ có thể điều tra, đưa Việt Nam thành một mục tiêu bị trừng phạt.
Có thể nói, chiến tranh thương mại nếu xảy ra thì tác động đến kim ngạch xuất nhập khẩu là có, nhưng tác động nhiều hơn lại ở khu vực tài chính, cụ thể là thị trường chứng khoán và tỷ giá.
Có ý kiến cho rằng, căng thẳng thương mại leo thang cũng là một nguyên nhân, bên cạnh việc Fed tăng tốc thắt chặt tiền tệ, gây áp lực lớn lên tiền đồng trong thời gian gần đây. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong 3 tuần gần đây đã ảnh hưởng đến biến động tỉ giá giữa USD và Nhân dân tệ. Thực tế, trước khi có sự leo thang chiến tranh thương mại, để xoa dịu chính quyền của ông Donald Trump, điều hành chính sách tiền tệ của Trung Quốc là không can thiệp một cách lộ liễu vào tỷ giá trên thị trường, không để Nhân dân tệ mất giá quá nhiều so với USD. Trước đây, ông Trump vẫn cáo buộc Trung Quốc can thiệp thô bạo vào tỉ giá và giữ cho Nhân dân tệ thấp giá so với USD để khuyến khích xuất khẩu vào Mỹ, khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại.
Tuy nhiên, trước căng thẳng chiến tranh thương mại kết hợp với thông tin tăng trưởng trong quý II của Trung Quốc cũng chậm lại, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng như toàn cầu suy giảm, các nhà đầu tư toàn cầu đã bán Nhân dân tệ, dẫn đến Nhân dân tệ xuống giá nhiều nhất so với USD trong vòng 3 tuần qua. Điều này kéo theo áp lực lên các đồng tiền châu Á khác, trong đó có đồng tiền Việt Nam. Thực chất áp lực lên tiền đồng trong thời gian gần đây là sự xuống giá của Nhân dân tệ.
Vài năm trước, Nhân dân tệ xuống giá gây áp lực lên đồng tiền Việt Nam có nguyên nhân liên quan đến cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Áp lực hiện nay là một điều khá thú vị, trong vòng 3 tuần khi Nhân dân tệ xuống giá thì giới đầu cơ đưa ra nhận định “phải chăng việc Nhân dân tệ xuống giá bên cạnh áp lực thị trường là có chủ định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc”.
Tức là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chủ động để Nhân dân tệ xuống giá nhằm cân đối lại chuyện bị áp thuế. Nhưng ngay sau khi có cáo buộc đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra thông điệp: “Trung Quốc không có chủ định lấy đồng Nhân dân tệ làm vũ khí”. Nhưng có thể thấy là bản thân Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chưa có can thiệp mạnh để chống lại đà xuống giá đồng nội tệ.
Vậy ông nhận định gì về chính sách điều hành tỉ giá của NHNN trong những ngày qua?
Trước áp lực lên tiền đồng Việt Nam, NHNN đã có thông điệp sẵn sàng can thiệp ngay vào thị trường. Điều này thể hiện qua động thái cơ quan này những ngày qua đã bán USD ra thị trường để hạ nhiệt tỉ giá.
Quyết sách được thực hiện có thể dựa trên tính toán về sự tự tin trong suốt năm 2017 và cả 2018, NHNN đã mua vào lượng USD lớn để tăng dự trữ ngoại hối lên đến 63,5 tỉ USD nên sẵn sàng can thiệp.
Bên cạnh đó, cũng có thể do những quan ngại trong bối cảnh hiện nay, dù số liệu tăng trưởng kinh tế tốt, liệu áp lực lạm phát có tiếp diễn trong những tháng cuối năm hay không? Trong khi đó, tỷ giá ổn định được nhận định sẽ giúp kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, động thái này sẽ được khía cạnh này, nhưng lại làm khó khía cạnh khác trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nghĩa là chúng ta muốn giữ VND ổn định với USD cũng đồng nghĩa với việc VND sẽ lên giá so với Nhân dân tệ.
Trừ khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc can thiệp, Nhân dân tệ thấp như thời điểm hiện nay là một áp lực đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam và giảm tính cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Quan điểm của NHNN cho thấy cơ quan này vẫn đang trong nỗ lực giữ sự ổn định của tỷ giá. Ông có bình luận gì?
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có lượng dự trữ ngoại hối nhiều nhưng không nên quá can thiệp vào thị trường qua hình thức vừa mới có áp lực là can thiệp vào tỉ giá, mà nên để tỉ giá linh hoạt.
Nhìn sang những đồng tiền châu Á khác, nền kinh tế khác, trước một thế giới đầy bất ổn như hiện nay, tỉ giá các nước cũng dao động như Ringgit (Malaysia), Bath (Thái Lan), SGD (Singapore)… chứ không chỉ Nhân dân tệ.
Về mặt này, điều hành chính sách nên để tỉ giá biến động linh hoạt và chỉ khi nào áp lực quá lớn mà cũng có động thái các nước khác cũng bắt buộc phải can thiệp thì NHNN mới can thiệp, chứ không nên theo quan điểm tỷ giá phải ổn định.
Thực chất, tỉ giá ổn định là tỷ giá không biến động theo thị trường, trong khi áp lực của thị trường giúp cân đối nhu cầu của thị trường. NHNN cần duy trì một lượng dự trữ ngoại hối lớn để tạo niềm tin cho thị trường, chứ không phải là để sẵn sàng can thiệp vào thị trường. Còn đối với các doanh nghiệp, chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường nên cũng cần chấp nhận câu chuyện rủi ro tỉ giá.