Hà Nội: Bán lén lút mực xé sợi
Theo ghi nhận của phóng viên tại chợ Hôm, một trong những nơi buôn bán các mặt hàng đồ khô hải sản lớn của Hà Nội, khi hỏi mua mực khô xé sợi về làm nộm, một chủ hàng nhanh nhảu: “Hôm qua vừa có tin bắt mực khô xé của Trung Quốc nên không ai dám bán nữa đâu”. Ở một cửa hàng khác, chủ quầy hàng tiết lộ: “Loại mực đó họ trộn lẫn linh tinh chẳng biết đâu mà lần nên lâu nay không ai bán”.
Khảo sát các chợ Khâm Thiên, chợ Thái Hà, khi được hỏi đến mực khô xé sợi các chủ hàng đều dè chừng trả lời “không có”. Tương tự ở các chợ Ngã Tư Sở, chợ Kim Liên, phóng viên đều không tìm được mặt hàng này. Tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh đồ khô gần chợ Đồng Xuân - khu vực ngã 3 phố Nguyễn Thiện Thuật - Cao Thắng, khi hỏi mua mực sợi người bán cho biết vẫn còn.
Theo người này, sản phẩm mực xé sợi chủ yếu bán cho các cửa hàng bán bánh tráng trộn. “Ở đây nó không bày bán công khai, nhưng khách có nhu cầu vẫn có. Mực xé có 2 loại, gồm loại vàng làm từ yếm mực, mỏng giá 200 ngàn đồng/kg; loại đỏ chất lượng hơn có giá 250 ngàn đồng/kg”, một người bán hàng cho biết. Khi được hỏi xem loại mực đỏ, 2 phút sau người thanh niên mang ra một túi nylon đen, trong túi là một túi nilon trắng buộc chun với dòng chữ viết tay: Mực xé.
TP HCM: Bán công khai, chất lượng tù mù
Tầng 1 của chợ An Đông ở quận 5, TP HCM là nơi trưng bày tất cả các loại hải sản khô, trong đó ngoài mực khô thì mực xé sẵn, tẩm ướp gia vị được đóng trong các bao bì bán nhiều nhất.
Tại cửa hàng hải sản khô Vĩnh Mai, khi hỏi mua mực xé sẵn có tẩm ướp, nhân viên cơ sở cho biết nơi đây có loại giá 300 ngàn đồng/kg, loại 540 nghìn đồng/kg và loại đặc biệt 800 ngàn/kg. Nhân viên bán hàng khẳng định tất cả mực này đều lấy từ Khánh Hòa và Phú Quốc nên giá hơi cao.
Mực khô, mực tẩm và mực xé sẵn không nguồn gốc bán tràn lan ở chợ Bình Tây (TPHCM). Ảnh: Lê Nguyễn
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, các loại mực xé sẵn đều tù mù về nguồn gốc và chất lượng. Các loại mực này đựng trong bao nylon hoặc bịch giấy và ngoài bao bì chỉ ghi: “mực tẩm” hay “mực xé” kèm theo tiếng Trung Quốc và mức giá.
Hàng chục quầy bán mực khô, mực tẩm hay mực xé sẵn ở chợ Bình Tây, quận 6 đều không ghi nhãn mác. Tại chợ này, mực các loại được đựng trong bịch nilong, túi giấy hoặc khay nhựa và thùng nhựa với giá cả khác nhau. Tại các chợ Phạm Văn Hai, quận Bình Tân, chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh… các loại mực khô vẫn bán tràn lan đều không có nguồn gốc rõ ràng. Một tiểu thương kinh doanh lâu năm trong ngành hải sản khô ở chợ Phạm Văn Hai bật mí: “Hầu hết mực khô xé sẵn hay tẩm ướp đều là mực bị ôi thiu, mực xá giá bèo”.
Không phải mực giả?
Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM, cho biết không phải đến thời điểm này mực khô nghi giả mới xuất hiện mà trước đây khi có thông tin mực xé sợi xuất hiện ở Quảng Trị, Chi cục đã lấy mẫu kiểm tra.
Theo ông Hòa, Chi cục đã lấy 6 mẫu mực, trong đó có 1 mẫu mực nguyên con và 5 mẫu mực xé sợi để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về chất lượng Protein, phẩm màu hay thành phần nhựa tổng hợp PE đều cho thấy mực không chứa phẩm màu công nghiệp; các mẫu có hàm lượng protein trung bình 30,43%, độ ẩm trung bình 18,36%, hàm lượng đường trung bình 35,14%, muối 2,6%, bột ngọt 2,38%...đều trong giới hạn cho phép.
Ông Hòa cho rằng với những chỉ tiêu như vậy có thể kết luận sản phẩm không phải là mực giả hoặc làm bằng cao su. Ông Hòa nói thêm để kiểm soát chặt những loại thực phẩm nhập và làm giả này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của quản lý thị trường.
Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách Khoa), cho rằng nhiều khả năng hợp chất trong mực xé không phải là cao su vì cao su giá thành rất đắt. GS Thịnh đặt giả thiết có thể loại mực khô được làm từ loại cá mực nào đó như mực xà - loại mực có rất nhiều ở Trung Quốc, dễ đánh bắt, giá thành rẻ.
Cần kiểm nghiệm đến cùng
GS Thịnh cũng kiến nghị thực phẩm mực khô xé sợi kém chất lượng bị phát hiện không phải lần đầu, mặt hàng cũng được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi vì vậy cần có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, tránh gây hoang mang cho dư luận. TS Thịnh nói thêm ở Việt Nam hiện nay Viện phân tích chất lượng hàng hóa của Bộ Y tế đủ điều kiện kiểm nghiệm được các thành phần này.
PGS. TS Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ hóa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho rằng với kết quả của Viện Khoa học Hình sự công bố (chỉ có 30,6% protein và tới 69% tạp chất chưa được xác định), có thể khẳng định sản phẩm mực xé bị Công an Hà Nội bắt giữ không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, để khẳng định độ độc hại của sản phẩm, cần tiếp tục kiểm nghiệm, xác định đó là chất gì? Viện Khoa học Hình sự và cơ quan chức năng cũng cần lấy mẫu mực thật để xác định thành phần bao nhiêu % Protein, bao nhiêu % sợi xơ để có sự so sánh, làm rõ vấn đề.
Ông Côn nói thêm nếu dùng cao su công nghiệp, cao su phế phẩm để chế tạo thực phẩm sẽ vô cùng độc hại đến sức khỏe người tiêu dùng, về lâu dài có thể gây ung thư và các bệnh về đường ruột.
Về cách nhận biết mực thật và mực có trộn tạp chất, ông Côn chia sẻ, mực thật khi ngâm vào nước ấm mực dễ xé với từng cơ thịt ngang và dọc. Còn nếu là cao su sẽ có độ đàn hồi, khó dứt đứt.
Kiểm nghiệm bạch tuộc nghi giả
Hôm qua 15-8, bác sĩ Phan Văn Đạt - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương cho biết sau khi có thông tin phản ánh của người dân mua bạch tuộc nghi là giả, Chi cục đã tiến hành lấy mẫu bạch tuộc ở các chợ tại TP Thủ Dầu Một đưa đi kiểm nghiệm để xác minh có hay không bạch tuộc giả.
Trước đó, theo phản ánh của anh Võ Văn Hưởng, ngụ ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương khi anh được tặng 2kg bạch tuộc tươi sống từ người thân mua ở chợ Thủ Dầu Một thì anh Hưởng dùng dao cắt bạch tuộc và phát hiện bạch tuộc rất dai, không có mùi tanh. Thậm chí, bỏ số bạch tuộc trên ra đống rác ruồi cũng không thèm bâu.
L.N