Chưa có cơ sở nâng ngưỡng...?
Sau hơn 1 tháng các tài xế chạy xe công nghệ kiến nghị việc tăng doanh thu chịu thuế từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm, Tổng cục Thuế lý giải, quy định cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập cá nhân (TNCN) đã được nêu tại luật Thuế GTGT, luật Thuế TNCN. Do đó, việc tăng doanh thu tính thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội khi sửa đổi 2 luật này.
Tài xế xe công nghệ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế 4,5%. Ảnh: Ngọc Dương
Đến thời điểm này, chưa có cơ sở pháp lý để nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT và TNCN với riêng ngành nghề kinh doanh hoạt động vận tải. Các tài xế không ký hợp đồng lao động, không nhận tiền lương, tiền công từ doanh nghiệp (DN) vận tải nên không thuộc diện nộp thuế TNCN từ tiền công, tiền lương…
Hơn nữa, chính sách thuế và quản lý thuế hiện hành thống nhất đối với các DN hợp tác với cá nhân kinh doanh hoạt động vận tải có ứng dụng công nghệ từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế. Công ty thực hiện khấu trừ, nộp thay cá nhân kinh doanh vận tải theo ủy quyền của cá nhân.
Trước đó các tài xế GrabBike đã có công văn gửi Cục Thuế TP.HCM, Tổng cục Thuế... kiến nghị thu nhập của các tài xế từ 150 triệu đồng/năm mới phải chịu thuế.
Bất cập, không công bằng là phải điều chỉnh
Với cách giải thích “chưa có cơ sở pháp lý” của cơ quan thuế, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng nói như vậy là không đúng. Mức doanh thu 100 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh được quy định từ năm 2014, đến nay 6 năm rồi thì chỉ tính phần trượt giá cũng đã đủ cơ sở để tính đến việc điều chỉnh lên cao hơn mức 100 triệu đồng/năm.
Cơ sở thứ hai cần phải điều chỉnh mức doanh thu tính thuế là so sánh mức chịu thuế của hộ kinh doanh với người làm công ăn lương. Hiện nay những người làm công ăn lương có thu nhập dưới 108 triệu đồng/năm không phải đóng thuế, nếu có thêm 1 người phụ thuộc thì người nộp thuế có thu nhập từ 151,2 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế; có 2 người phụ thuộc thì thu nhập từ 194,4 triệu đồng/năm trở lên mới phải nộp thuế…
Trong khi đó, tài xế chạy xe công nghệ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm đã phải chịu thuế, thấp hơn rất nhiều người làm công ăn lương. Chưa kể trong số tiền tài xế nhận được có cả tiền xăng, nhớt, nuôi con, người phụ thuộc…
Thực tế, việc xác định cá nhân kinh doanh hay làm công ăn lương trong trường hợp các tài xế công nghệ không khác biệt nhiều, bởi số tiền họ nhận được cũng từ việc chạy xe cho DN mà có. Hơn nữa, hiện nay đối với những người lao động làm việc thời vụ, có hợp đồng dưới 3 tháng hoặc không có hợp đồng nhưng có mã số thuế TNCN, có cam kết thu nhập trong năm không đủ mức chịu thuế 108 triệu đồng hoặc thu nhập có thêm người phụ thuộc cũng sẽ không trừ thuế.
“Vậy tài xế chạy xe công nghệ tại sao không được áp dụng chính sách này để tính thuế? Thực tiễn như vậy đã là cơ sở pháp lý để tăng doanh thu tính thuế nếu vẫn xem tài xế công nghệ là đối tượng cá nhân kinh doanh”, ông Trần Xoa nói.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty IPIC, nhận xét: Cách giải thích của Tổng cục Thuế là để tránh đi việc tăng doanh thu tính thuế, và cũng ngược bởi cơ sở pháp lý phát sinh từ nhu cầu thực tế.
“Mức doanh thu tính thuế 100 triệu đồng/năm, tức chưa đến 8,4 triệu đồng/tháng thì quá thấp, nên nếu có sửa thì sửa chung áp dụng cho tất cả ngành nghề chứ không riêng gì ngành vận tải", ông Hùng nhấn mạnh và cho rằng việc chờ Quốc hội sửa đổi 2 luật thuế GTGT và TNCN thì phải đến vài năm nữa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xem xét ban hành nghị quyết điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế này lên cao hơn. Điều này cũng phù hợp với tình hình hiện nay Tổng cục Thuế đề xuất nâng mức chiết giảm gia cảnh cho người nộp thuế làm công ăn lương.