Chị Thanh, nhân viên kế toán một công ty tại quận 10, TP HCM, cho biết chị vừa lập gia đình được một năm. Hai vợ chồng đều xuất thân từ tỉnh lẻ và gần như phải tự bươn chải nơi đất khách quê người.
Thu nhập của chị mỗi tháng tầm 6 triệu đồng, còn chồng thì khoảng 8 triệu. Ngay sau khi cưới nhau, anh chị nhẩm tính nếu thuê nhà thì hai vợ chồng sẽ phải chi trả khoảng 3,5 triệu đồng mỗi tháng cho tiền thuê và điện, nước, internet... chi bằng mua nhà vừa "an cư lạc nghiệp" vừa có thể gia tăng giá trị vì theo thời gian giá bất động sản cũng tăng.
Thế là với số tiền vốn khoảng 150 triệu đồng, hai vợ chồng chị vay thêm ngân hàng 450 triệu (thời hạn 5 năm) để mua một căn nhà cấp bốn (40m2) tại quận Bình Tân.
Với lãi suất khoảng 9% một năm, tính ra mỗi năm vợ chồng chị phải trả lãi 40,5 triệu đồng - tương đương 3.375.000 đồng mỗi tháng (trả theo từng tháng với dư nợ ban đầu). Dự tính trả nợ trong thời hạn 5 năm, nên mỗi tháng chị Thanh phải tích lũy riêng một phần khoảng 7,5 triệu để trả gốc cho đến khi tới hạn. Như vậy, tổng cộng cả lãi và gốc, mỗi tháng phải chi tầm 10,9 triệu đồng, còn hơn 3 triệu để chi tiêu.
"Khổ nỗi, vì nhà quá xa nơi làm việc nên hàng tháng chỉ riêng tiền xăng của hai vợ chồng đã ngốn hơn một triệu đồng" - chị nói.
Không chỉ thế, chị Thanh còn chia sẻ: "Do lúc mua chưa tính toán kỹ các tình huống như có con hay tiền lương bị cắt giảm. Chỉ sau một năm mua nhà, tôi có em bé, chi phí đã tăng lên rất nhiều, trong khi lương của tôi thì bị giảm chỉ còn 90% khiến cho hai vợ chồng lao đao. Ông xã phải đi làm thêm buổi tối nhưng nhiều tháng vẫn thiếu tiền đóng lãi khiến bị phạt tới phạt lui".
Bi đát hơn là trường hợp của vợ chồng anh Trường, quận Thủ Đức, TP HCM. Sau khoảng thời gian tằn tiện, anh chị gom góp được 200 triệu đồng và quyết định vay thêm ngân hàng 500 triệu (thời hạn 5 năm) để mua căn nhà 80m2.
Trong 3 năm đầu mọi chuyện đều ổn, nhưng đến năm thứ 4, tức thời điểm hiện tại, vợ chồng anh đang rơi vào bế tắc. Vì anh là một trong những người nằm trong diện bị giảm biên chế của công ty. Vợ anh lại đang trong giai đoạn nghỉ sinh. "Tiền chi phí còn khó xoay sở, lấy đâu ra tiền trả ngân hàng hằng tháng" - anh bộc bạch.
Liên tục mấy tháng liền, vợ chồng anh Trường bị ngân hàng đòi nợ. Quá bế tắc, anh chị quyết định bán căn nhà với giá 750 triệu đồng để trả hết khoản nợ nần 200 triệu của ngân hàng (trả trước hạn), còn lại 500 triệu đồng, anh trích ra 300 triệu mở quán internet (cũng là nơi gia đình anh thuê ở). Số tiền còn lại, anh gửi vào ngân hàng, mỗi tháng sinh lời khoảng 1,3 triệu để phụ vào tiền sinh hoạt.
Một chuyên gia kinh tế tại TP HCM cho rằng để tránh khó khăn về tài chính sau khi mua nhà, những khách hàng có thu nhập trung bình, thấp cần phải tính toán và cân nhắc kỹ càng các tình huống phát sinh ngoài ý muốn như ốm đau, mất việc..."Tốt nhất là không nên vay quá 50% giá trị căn nhà muốn mua hoặc tổng số tiền trả lãi và gốc hàng tháng không được vượt quá 50% tổng thu nhập, để giảm thiểu áp lực trả nợ" - ông nói.
Ngoài ra, theo ông, người vay phải cân nhắc nếu lãi suất biến động lớn thì có trả được nợ không. Kèm theo đó, nên xem kỹ tất cả các điều khoản quy định về trả nợ trước hạn, phạt chậm trả... để nếu có rơi vào tình huống này cũng không chịu nhiều thiệt thòi.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn phía Nam cũng thông tin, thời gian qua có một số trường hợp vay 70-80% giá trị căn nhà (thế chấp bằng chính căn nhà mua) nhưng do họ chưa tính toán kỹ phương án trả nợ dẫn đến mất khả năng chi trả, buộc nhà băng phải đến "xiết nhà", ông cho biết.
Vị này chia sẻ thêm, thời điểm này giá bất động sản đã xuống tương đối thấp, lãi suất ngân hàng cũng tương đối mềm và thích hợp mua nhà để ở. Tuy nhiên, khách hàng cần phải cân đối tốt nguồn trả nợ để tránh nguy cơ mất nhà khi không thể trả được lãi và gốc.