Bối cảnh bất lợi
Do giá dầu liên tiếp giảm, cùng với những chính sách trừng phạt của phương Tây nên nền kinh tế Nga ước tính thiệt hại khoảng 140 tỉ USD, theo chính Bộ trưởng Tài chính nước này nhìn nhận, được báo Wall Street Journal trích dẫn. Vào đầu tháng 12, Chính phủ Nga cảnh báo nền kinh tế của họ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2015 nếu giá dầu tiếp tục giảm.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga gần 1,45 tỉ USD. Trong đó, chiếm giá trị lớn nhất là các mặt hàng điện thoại, dệt may, da giày, thủy sản; các loại nông sản như rau quả, hạt điều, cà phê, hồ tiêu…
Tình hình kinh tế ở Nga đang khiến doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này lo lắng. Theo một số doanh nghiệp, việc làm ăn với doanh nghiệp Nga sẽ gặp khó khăn; có doanh nghiệp không đưa thị trường Nga vào kế hoạch kinh doanh.
Cách đây mấy tháng, khi Nga có lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ châu Âu, một số doanh nghiệp xuất khẩu thịt heo của Việt Nam nhân cơ hội này đã chào bán thịt heo đông lạnh. Tuy nhiên, khi trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, các doanh nghiệp cho biết việc đàm phán hợp đồng với phía Nga không tiến triển như kỳ vọng, khó ký được hợp đồng trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp vẫn xem Nga là một trong những thị trường tiềm năng. Mặt khác, Nga từng là nơi học tập, công tác trong một thời gian dài của nhiều người Việt Nam, do đó doanh nghiệp thông qua cộng đồng người Việt ở Nga để phát triển kinh doanh, mở đại lý bán hàng.
Mất đơn hàng vì giá đồng rúp
Theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, đối với mặt hàng phi lê cá tra, các thị trường khác chỉ mua sản phẩm phi lê cá tra thịt trắng và từ chối mua phi lê cá tra thịt đỏ. Nhưng thị trường Nga chấp nhận dễ dàng hơn khi cả hai sản phẩm phi lê cá tra vừa nêu đều bán được vào đây.
Có điều, theo một số doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu sang Nga, đa phần các doanh nghiệp đều chọn phương thức thanh toán bằng đô la Mỹ, tức là, các nhà nhập khẩu phía Nga sẽ dùng đồng rúp Nga để đổi thành đô la Mỹ rồi thanh toán cho doanh nghiệp Việt Nam. Và khi đồng rúp mất giá mạnh đã khiến việc mua bán giữa hai bên gặp khó khăn.
Ông V.Q., giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL kể sau mấy tháng cá tra xuất qua Nga bị cấm và vừa mới được xuất trở lại nên doanh nghiệp ông đã ký một đơn hàng cung cấp cá tra phi lê với nhà nhập khẩu Nga, sẽ giao trong quí I/2015. Nhưng mới đây phía Nga đã có thư điện tử yêu cầu hủy hợp đồng đã ký.
Lý do được nhà nhập khẩu này đưa ra là đồng rúp của Nga đang mất giá và không biết khi nào mới dừng lại nên việc thanh toán bằng đồng đô la Mỹ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn vì phải cần nhiều tiền hơn để mua hàng nhập khẩu.
“Thời gian qua, cứ sau một đêm đồng rúp Nga lại mất giá thêm so với đồng USD. Chúng tôi hiểu tỷ giá của một đồng tiền ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp; trong trường hợp này, việc doanh nghiệp Nga muốn ngưng nhập khẩu hàng hóa có thanh toán bằng đô la Mỹ là một điều dễ dự đoán” - ông nói.
Việc đồng rúp Nga mất giá không chỉ ảnh hưởng xuất khẩu mặt hàng thủy sản sang thị trường này mà hầu như tất cả các mặt hàng. Thành viên trong ban giám đốc một doanh nghiệp ở Đồng Nai có nhiều hợp đồng xuất khẩu nông sản gồm điều nhân, cà phê và cao su sang Nga cho biết, ngoài việc tạm thời mất thị trường Nga trong năm tới thì doanh nghiệp ông cũng đang khó xử vì còn vướng số tiền mà phía Nga chưa trả hết.
“Theo thỏa thuận trong hợp đồng, những đơn hàng giao trong sáu tháng cuối năm sẽ được thanh toán vào ngày 31-12. Nhưng nay đồng rúp mất giá quá nhiều, phía doanh nghiệp Nga cho biết là chưa thể trả như thỏa thuận. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi” - ông nói.