Trong khi đó, vẫn thiếu cơ chế xử lý hiệu quả, khiến cho nhiều trường hợp tranh chấp không xử lý nổi. Đó là nhận định của các chuyên gia tại buổi hội thảo “các giải pháp quản lý rủi ro, giải quyết xung đột trên thị trường bất động sản” tổ chức hôm qua (19-11), tại Hà Nội.
Cuối tháng 10 vừa qua, hàng trăm nhà đầu tư mua nhà của dự án chung cư Đại Thanh đã tập trung nhiều lần trước sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh mang băngrôn tố cáo chủ đầu tư là xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu đã nhập nhèm trong việc tính diện tích căn hộ, khiến khách mua phải trả thêm tiền so với thực tế, song không được đối thoại, xử lý thấu đáo, đã dẫn tới xô xát, khiến một số khách hàng bị thương. Trước tình hình đó, thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, báo cáo. Giám đốc doanh nghiệp, ông Lê Thanh Thản, chỉ giải thích ngắn gọn: Sai sót là do khâu… đánh máy!
Thị trường trầm lắng, tranh chấp gia tăng
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng tranh chấp căng thẳng giữa khách hàng với chủ đầu tư dự án bất động sản. Dự án Lê Văn Lương Residential của tập đoàn Nam Cường xảy ra tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư cũng với lý do tương tự. Một dự án khác của Nam Cường là khu đô thị Dương Nội cũng khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc vì bị “ép” nhận nhà khi dự án chưa được hoàn thiện…
Hàng trăm nhà đầu tư mua nhà của dự án chung cư Đại Thanh đã tập trung nhiều lần trước sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh mang băngrôn tố cáo chủ đầu tư.
Một số dự án cao cấp từng là đề tài gây tốn giấy mực của báo chí, do những vụ tụ tập, kiện cáo của khách hàng với chủ đầu tư về phí dịch vụ, sổ đỏ, diện tích sở hữu chung – riêng, như dự án chung cư cao cấp The Mannor của tập đoàn Bitexco; dự án Keangnam của tập đoàn Keangnam…
Nghiêm trọng hơn là một số trường hợp chủ đầu tư chiếm dụng vốn của khách hàng song không triển khai dự án, như dự án Tricon Tower của công ty Minh Việt, dự án chung cư 409 Lĩnh Nam của công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng…, với số tiền chiếm dụng lên đến hàng ngàn tỉ đồng…
Chủ tịch trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Trần Hữu Huỳnh, cho biết qua thực tế hoạt động của trung tâm cho thấy, thời gian vừa qua, những xung đột xảy ra trên thị trường bất động sản ngày càng sâu và có xu hướng lan rộng, gây những bức xúc, thiệt hại cho cả phía chủ đầu tư lẫn khách hàng.
“Nay thị trường trầm lắng, rủi ro gia tăng dẫn tới các tranh chấp cũng nhiều hơn, trong đó có những tranh chấp không có cách nào xử lý nổi” - nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ nhận xét.
“Con kiến kiện củ khoai?”
Luật sư Nguyễn Trúc Hiền, công ty Luật TNHH quốc tế Việt Nam (Vilaf – Hồng Đức), nhận xét nếu đi vào từng dạng tranh chấp, có vô vàn tình huống dở khóc dở cười và khó để xử lý đến nơi đến chốn. Bà Hiền lấy dẫn chứng một trường hợp khách hàng có tranh chấp đã tìm đến Hồng Đức để được tư vấn, hỗ trợ. Theo đó, khách hàng mua 20 căn hộ của một dự án chung cư tại quận 2, TP HCM để làm nhà tái định cư. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không giao nhà đúng thời hạn như đã ký kết trong hợp đồng. Khách mua nhà đề nghị huỷ hợp đồng theo đúng điều khoản đã ký kết, lấy lại tiền, song chủ đầu tư cho biết không trả lại tiền, vì không có tiền để trả, kể cả bị kiện ra toà đi nữa. Theo đuổi vụ kiện sẽ tốn kém, mà chưa chắc đã đòi được tiền, song nếu không chấm dứt hợp đồng, sau hai năm nữa, hợp đồng có thể hết thời hiệu. Đó là chưa kể, kiện và thắng rồi, song chủ đầu tư cho rằng còn có một bên thứ ba liên quan, thì toà sẽ huỷ án, xử lại từ đầu. “Đây là một trong những trường hợp tranh chấp mà người bị hại đi mắc núi, ở mắc sông” - bà Hiền nói.
Nguyên nhân phát sinh nhiều tranh chấp và khó giải quyết, theo ông Đặng Hùng Võ, là do hiện chúng ta chưa có luật Chung cư; thiếu các quy định về quản lý giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai, quản lý rủi ro chưa đúng cách... Trong khi đó, hợp đồng thoả thuận giữa chủ đầu tư dự án và khách hàng thường mang tính áp đặt do chủ đầu tư dự án đơn phương đưa ra, thiếu các quy định bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng. Các cơ quan Nhà nước còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu cơ chế xử lý hiệu quả.
Để giải quyết xung đột, ông Võ cho rằng cần tăng cường cơ chế bảo vệ quyền tài sản của người tiêu dùng, quản lý tốt rủi ro, giá trị thật ghi trên hợp đồng; minh bạch thông tin, tạo các kênh thông tin để người mua nhà có thể tiếp cận tìm hiểu về quy hoạch, căn cứ pháp lý của các dự án; hướng dẫn chi tiết về mẫu hợp đồng đối với từng loại hình giao dịch bất động sản; tăng cường chế tài xử phạt vi phạm, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát; thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp một cách chính thống, có căn cứ pháp lý thông qua hoà giải, trọng tài hoặc toà án.