Ngoài khoản phí trên, chị Tuyền ở TP HCM còn phải trả lại phần chênh lệch do ưu đãi lãi suất, tương đương gần 38 triệu đồng, nâng tổng số tiền cần phải thanh toán cho việc trả nợ trước hạn của chị lên gần 286 triệu đồng.
Phải trả lại tiền ưu đãi lãi suất, chị Tuyền không có ý kiến vì điều này đã được quy định rõ ràng trong hợp đồng. Nhưng chị thấy sốc vì khoản phí trả nợ trước hạn, hợp đồng quy định chung chung, không đưa ra công thức tính cụ thể. "Ngay trước lúc ký hợp đồng, tôi có thắc mắc về điều khoản này nhưng cán bộ tín dụng của ngân hàng không giải thích rõ ràng mà cứ bảo là sẽ tính theo quy định. Ở tư thế người đi vay tiền, tôi đành phải nhanh chóng ký vào hợp đồng" - khách hàng này trần tình.
Khi chị trả trước hạn cho khoản dư nợ gốc 2,777 tỉ đồng vào ngày 24-7 (tức khoảng 5 tháng sau ngày giải ngân), ngân hàng đã tính phí trả nợ trước hạn theo công thức: 40% x (lãi suất cho vay hiện tại-lãi suất huy động tiết kiệm tại ngày trả nợ) x số tiền trả nợ trước hạn x số ngày trả nợ trước hạn/360. Với công thức này, chị Tuyền phải trả hơn 248 triệu đồng, tương đương gần 9% dư nợ gốc.
"Tôi đã yêu cầu ngân hàng cung cấp văn bản về cách tính phí trả nợ trước hạn trên, nhưng họ từ chối với lý do đây là công văn nội bộ không cung cấp được mặc dù tôi đang là khách hàng có liên quan trực tiếp. Chưa kể, khi làm hồ sơ vay tôi chỉ được nhân viên tư vấn là mức đóng phí trả trước hạn chỉ bằng 1,6% nhân với số dư nợ còn lại" - chị nói.
Chị Tuyền không thấy thỏa đáng với cách giải quyết của ngân hàng. Khi không đồng ý với số phí trả nợ trước hạn quá cao như trên, chị được phía ngân hàng hướng dẫn làm đơn miễn giảm. Sau đó, chị được giảm 50% phí trả nợ trước hạn, tức chỉ còn đóng khoảng 162 triệu đồng. "Quyết định này cũng chỉ được nhân viên truyền đạt bằng miệng chứ không có văn bản nào. Tôi e rằng, với cách làm việc như thế này rất dễ dẫn đến những quyết định cảm tính, tiêu cực" - chị chia sẻ.
Không riêng chị Tuyền, các trường hợp chịu khoản phí trả trước hạn cao do không "đàm phán" kỹ trước khi ký hợp đồng khá phổ biến.Chị Thanh Tú ở quận Bình Tân, TP HCM cũng một phen ấm ức khi vay một tỷ đồng thời hạn 10 năm, nhưng mới 7 tháng vì có việc gấp cần phải tất toán hợp đồng để bán căn nhà đang thế chấp, chị bị nhà băng phạt hơn 80 triệu đồng, gần bằng 8% dư nợ gốc còn lại.
Chia sẻ về những trường hợp trên, cán bộ tín dụng một ngân hàng cho rằng, thông thường khi cho vay, các nhà băng đều không cho khách hàng tất toán hợp đồng trong năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân. "Có chăng thì chỉ trả một phần nợ gốc, bất đắc dĩ khách phải tất toán hợp đồng thì hai bên cần có sự thoả thuận riêng" - ông cho biết.
Từ năm thứ 2 trở đi, theo ông thì khách hàng có quyền tất toán lúc nào cũng được nhưng kèm theo khoản phí phạt trả trước hạn (cũng có ngân hàng miễn giảm cho khách). Tuỳ theo cách tính của mỗi ngân hàng và do sự thoả thuận với khách hàng mà mức phí này sẽ rất khác nhau. "Tại ngân hàng tôi, khi khách tất toán hợp đồng từ năm thứ 2 sẽ chịu mức phí phạt 2,5% trên tổng dư nợ gốc còn lại. Các năm sau đó, tỷ lệ này sẽ giảm xuống" - ông nói.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng theo thông lệ quốc tế, việc thu phí trả trước hạn là bình thường và được quy định trong hợp đồng. Ở Việt Nam, việc nơi thu nơi không là tùy thuộc chính sách của mỗi ngân hàng. Có nhà băng cho rằng trong bối cảnh làm ăn khó khăn hiện tại, không thu phí trước hạn là cách họ chia sẻ khó khăn cùng với người vay. Ngược lại, có ngân hàng thu phí để bù đắp lại nguồn thu bị ảnh hưởng do khách hàng tất toán trước hạn.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng thông tin, trên thực tế, phí trả nợ trước hạn thực chất là biện pháp chế tài vi phạm hợp đồng tín dụng của người vay để bù đắp chi phí trả lãi huy động vốn của tổ chức tín dụng trong thời gian họ sắp xếp đưa số tiền này ra cho vay khách hàng khác. Vì vậy, việc thu phí trả nợ trước hạn của các nhà băng không trái với quy định pháp luật hiện hành.
"Riêng về mức phí phạt, hoàn toàn do sự thoả thuận giữa khách và ngân hàng. Do đó, khi đi vay, khách hàng cần phải đọc kỹ hợp đồng và có những thoả thuận cụ thể trước khi đặt bút ký để tránh bị thiệt thòi" - ông Minh khuyến cáo.