Nên có nhiều kênh cho nhà đầu tư lựa chọn
(Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX)
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) được xây dựng từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Trong thời gian đầu, được sự đồng ý của Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HNX chỉ đưa ra một sản phẩm đầu tư, đó là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Các nhà đầu tư cá nhân được phép tham gia thị trường này như là một hình thức đào tạo thực tiễn, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm về thị trường.
Thời gian đầu, quy mô TTCKPS còn nhỏ, do đó sản phẩm được lựa chọn là hợp đồng tương lai trên chỉ số chứ không phải hợp đồng tương lai trên từng cổ phiếu riêng lẻ cũng là để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Từ quan điểm đó, việc tham gia giai đoạn đầu TTCKPS của hầu hết các nhà đầu tư cá nhân, chưa có sự tham gia nhiều của nhà đầu tư tổ chức không có gì lạ. Quy mô TTPS chưa đủ lớn để hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia. Với quy mô của TTCKPS hiện nay, các tổ chức đầu tư lớn khó tham gia hedging (phòng ngừa rủi ro), nếu họ muốn hedging một lượng lớn hợp đồng thì thị trường phái sinh khó có thể đáp ứng. Ở Việt Nam hiện nay có những công ty Quản lý quỹ có giá trị quỹ khoảng vài chục nghìn tỷ đồng hoặc có công ty đang quản lý hàng tỷ USD.
Việc nhà đầu tư “rút tiền” từ chứng khoán sang kênh chứng khoán phái sinh là có nhưng sự rút tiền đó ở mức nào, ảnh hưởng quá như thế nào đến thị trường chứng khoán cơ sở? Sẽ tính toán được khi TTCKPS phát triển ở mức đỉnh điểm thì “hút” được bao nhiêu tiền từ thị trường chứng khoán cơ sở.
Thời gian qua, nhiều ý kiến trái chiều về TTCKPS, nhưng trên thế giới một thị trường đầu tư chứng khoán hoàn hảo phải có phái sinh (phòng ngừa rủi ro).
Không nên đổ lỗi cho phái sinh, thị trường đang tích cực lên
(Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK SSI)
Theo tôi, quan điểm cho rằng thị trường phái sinh gây ảnh hưởng xấu, hút tiền của thị trường cơ sở là không đúng. Thị trường chứng khoán có những phiên giảm sâu vừa qua do chịu ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư trước căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dù thị trường đi xuống nhưng nhà đầu tư không chán nản rời bỏ thị trường như giai đoạn 2008. Thay vào đó, nhiều nhà đầu tư vẫn ở lại và dòng tiền vẫn tiếp tục vận động, tìm cách kiếm lời qua kênh phái sinh.
Không nên chỉ dựa vào khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai, hay những phiên giao dịch kỷ lục để kết luận phái sinh rút tiền từ cơ sở sang bởi nhà đầu tư hoàn toàn có thể đổ tiền vào ít nhưng vẫn giao dịch nhiều do đặc tính đòn bẩy cao và giao dịch T+0, hoặc ngược lại.
Hiện tâm lý nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu đã tích cực hơn. Thị trường châu Á phiên ngày thứ Sáu cho thấy tín hiệu tốt, ngoại trừ Shanghai Composite Index có phiên điều chỉnh nhẹ 0,22% sau khi hồi phục 2,16% trong phiên ngày thứ Năm, các chỉ số chủ chốt khác như Nikkei 225, HangSeng hay Kospi đều tăng điểm trong ngày 13-7.
Thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, động lực chính của thị trường tiếp tục đến từ nhóm cổ phiếu Ngân hàng và các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, HPG. VN-Index có phiên tăng 1,25% lên mức 909,72 điểm trong khi VN30-Index cũng bứt phá lên 899,45 điểm (tăng 1,76%). Tại HNX, còn ghi nhận tốc độ tăng mạnh mẽ hơn với HNX-Index và HNX30-Index tăng lần lượt 2,07% và 2,94%, lên 102,51 điểm và 182,81 điểm nhờ ACB và SHB.
Phiên giao dịch cuối tuần chứng kiến đà tăng dứt khoát của các chỉ số trong bối cảnh khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì động thái bán ròng. Dòng tiền khối nội cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm Ngân hàng. P/E của VN-Index hiện tại tăng nhẹ so với ngày thứ Năm, lên mức 17,2 lần.
Các quỹ đầu tư sẽ tham gia mạnh hơn vào thị trường phái sinh thời gian tới
(Ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc Sản phẩm Cấu trúc, Công ty Chứng khoán VNDIRECT)
Nhìn chung, thì trường chứng khoán cơ sở đã lên mạnh trong một thời gian ngắn, do vậy việc thì trường điều chỉnh cũng là tất yếu. Theo chúng tôi thì chứng khoán phái sinh không phải là nguyên nhân chính cho việc điều chỉnh vừa rồi.
Theo thống kê của chúng tôi thì mặc dù khối lượng giao dịch trên chứng khoán phái sinh tăng mạnh trong tháng 5,6 cũng một phần do nhà đầu tư đã chuyển từ cơ sở sang phái sinh, tuy nhiên tỷ trọng không lớn. Thực tế dòng tiền không rút ra khỏi chứng khoán mà vẫn trên tài khoản của nhà đầu tư để chờ cơ hội quay lại thị trường. Do vậy, theo chúng tôi đánh giá thì việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán cơ sở không bị ảnh hưởng nhiều.
Hai thị trường cơ sở và phái sinh sẽ vẫn phát triển tốt trong thời gian tới. Hiện tại chưa có nhiều tổ chức tham gia vào chứng khoán phái sinh, đặc biệt là các quỹ, do vướng mắc về việc thanh toán của các quỹ phải thông qua ngân hàng thanh toán và giám sát.
Tuy vậy sắp tới khi các ngân hàng cung cấp dịch vụ này thì sẽ có sự tham gia nhiều hơn của các quỹ đầu tư vào thị trường phái sinh.
Tiền vận hành thị trường phái sinh có thể lên tới 2.500 tỷ đồng
(Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV)
UBCK vừa qua đã thông báo tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu của các hợp đồng tương lai lên 13% để giảm thiểu ảnh hưởng của chứng khoán phái sinh lên thị trường cơ sở. Đây là động thái hợp lý của cơ quan quản lý khi phái sinh đã "bóp méo" chỉ số và không phản ánh thực chất của thị trường.
Tăng lên 13% không nhiều nhưng giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực và vẫn giữ được sức hấp dẫn của kênh đầu tư mới mẻ này. Nếu so sánh với TTCK Trung Quốc năm 2015, để bảo đảm an toàn, Cơ quan quản lý thậm chí đã tăng tỷ lệ này lên này 40%.
Hiện giá trị giao dịch của HOSE một phiên chỉ còn quanh 3.000 tỉ đồng nhưng giá trị của chứng khoán phái sinh đã liên tục lập kỷ lục có phiên lên tới 14.000 tỉ đồng. Theo kinh nghiệm giao dịch của tôi, với tỷ lệ ký quỹ hiện tại khoảng 13% tại các CTCK cùng với giả định giá trị của thị trường khoảng 13.000 tỉ đồng, tiền đang vào phái sinh khoảng 1.600 tỉ đồng.
Tuy nhiên, với tính đòn bẩy cao, nhà đầu tư còn dự phòng 50% lượng tiền để phòng ngừa rủi ro. Nên lượng tiền vận hành cho phái sinh có thể lên tới 2.500 tỉ đồng, khoảng 1,5 lần tiền ký quỹ.
Dù vậy, nhà đầu tư không nên đổ hết trách nhiệm cho phái sinh trong đợt giảm vừa qua. Thị trường giảm sâu là tổng hòa nhiều lý do như việc tăng quá nóng trước đó, chiến tranh thương mại Mỹ Trung.
Dự báo, xu hướng thị trường còn chịu ảnh hưởng nặng từ yếu tố bên ngoài, và phải chờ thông tin hỗ trợ từ 2 nền kinh tế Trung Mỹ. Tôi thiên về khả năng thị trường ổn định và phân hóa vùng này. Việc giảm sâu hơn chỉ có thể xảy ra khi thị trường có thông tin tiêu cực hơn.