Trước kia, những người nuôi ong mật thường xuyên phải di chuyển đàn ong từ Nam ra Bắc để tìm phấn hoa. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây các trại ong chỉ quanh quẩn khu vực Đồng Tháp Mười vì cây tràm ra hoa quanh năm.
Trong những ngày nước nổi, các cánh rừng tràm trổ hoa vàng rực giúp cho ong tạo ra nhiều mật. Hễ thấy khu vực nào trổ hoa, chủ trang trại sẽ thuê một khu đất của người dân địa phương cho đàn ong sinh sống.
Hiện tại ở hai tỉnh Long An, Đồng Tháp có đến hơn 100 trại ong lớn, nhỏ quy tụ. Bình quân, mỗi trại có hơn 200 thùng ong, mỗi mùa ong kéo dài gần 4 tháng cho năng suất gần 2-3 tấn mật.
Theo các chủ trại ong, với giá bán tại vườn 200.000 đồng/lít, mỗi trại có thể thu lợi vài trăm triệu đồng/vụ là chuyện bình thường. Chưa kể, số lượng ong thợ sản sinh ra để bán giống.
Anh Trần Minh Sang, chủ trại ong huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An), cho biết: “Thức ăn của ong chủ yếu phấn hoa nên phí chăm sóc không cao. Vốn bỏ ra chủ yếu mua con giống và ong chúa về nuôi. Mỗi thùng ong có hơn một triệu ong thợ và một con ong chúa”.
Ông Sang cho biết ngoài việc bán mật ong sinh lãi, người nuôi ong còn có thể thu về nhiều khoản lợi nhuận khác nhau, như bán sáp ong, giống ong.
“Để có thể mở trang trại nuôi ong cần phải học ít nhất gần một năm, đầu tư hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai năm có thể thu hồi lại vốn” - ông Sang bày tỏ.
Ong chúa có kích thước to và màu nhạt hơn các loại ong thợ. Một con ong chúa có giá cả triệu đồng.
Ông Lê Vân, ngụ huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Nghề nuôi ong chẳng khác gì những người du mục, hôm nay ở Đồng Nai, tháng sau chuyển ra Đà Nẵng, cuối năm cư ngụ tại Cao Bằng, chẳng cố định một nơi. Nhưng từ ngày biết vùng Đồng Tháp Mười có các cánh rừng tràm tôi chỉ quanh quẩn khu vực này để nuôi ong, tiết kiệm rất nhiều chi phí. Mật ong tràm khác với các loại mật khác, ngoài vị thanh ngọt còn có hương dầu gió nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Đợt khai thác vừa rồi tôi lãi hơn 1,3 tỉ đồng”.