Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, sáng 9-9.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: "Tới đây phải buộc các doanh nghiệp Nhà nước làm thêm nhiều dự án nhà ở xã hội".
Tại dự án nhà thu nhập thấp Bắc Cổ Nhuế - Chèm của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô, bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao chất lượng và tiến độ của dự án khi chủ đầu tư chỉ triển khai chưa đầy hai năm. Hiện công trình đã hoàn tất phần thô, dự kiến sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào đầu năm 2015.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư phải bố trí đầy đủ các dịch vụ, hạ tầng thiết yếu cho các cư dân khi họ chuyển về sinh sống, trong đó lưu ý cả đến các chỗ để ô tô.
Bởi theo ông, trước mắt là chỗ để xe máy, song với sự phát triển chung của xã hội thì trong tương lai không xa, những người đang ở trong các nhà thu nhập thấp cũng sẽ có nhu cầu và có khả năng mua và sử dụng ô tô. Do đó, các dự án nhà xã hội phải nghĩ đến việc này.
“Trong các đợt thanh tra vừa rồi, tôi yêu cầu phải kiểm tra các dự án nhà xã hội, bên cạnh tiến độ, chất lượng phải kiểm tra kỹ mật độ, không gian và các dịch vụ, chỗ đỗ xe cho các cư dân với mức giá phù hợp với người lao động hiện nay” - Bộ trưởng Dũng nói.
Tại công trường dự án nhà thu nhập thấp Tây Nam Linh Đàm của Tổng Công ty Phát triển nhà và Đô thị (HUD), bộ trưởng Dũng yêu cầu chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ vì dự án đã có một thời gian chậm trễ.
Bộ trưởng cũng yêu cầu một số doanh nghiệp xây dựng như HUD, Viglacera với tư cách là doanh nghiệp nhà nước phải là trụ cột trong việc phát triển nhà ở xã hội để làm sao người thu nhập thấp, thậm chí những người không có thu nhập vẫn phải có chỗ ở.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết hiện trên địa bàn TP có 66 dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai, với khoảng gần 5,1 triệu m2 sàn xây mới, trong đó có 44 dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội với 37.800 căn hộ, 10 dự án nhà cho sinh viên, 12 dự án nhà cho công nhân.
Mục tiêu của thành phố đến năm 2020 là xây thêm khoảng 32.000 căn hộ nhà thu nhập thấp.
Tuy nhiên, thực tế, qua kiểm tra các dự án bất động sản trên địa bàn, đặc biệt là khu vực Hà Tây cũ và huyện Mê Linh sau khi nhập về Hà Nội, hầu hết các chủ đầu tư đều không thực hiện việc dành 20% quỹ đất của dự án để xây nhà xã hội theo quy định.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác sau khi hoàn thành giai đoạn 1 các dự án nhà ở xã hội, lại đang tiếp tục “xin” Hà Nội cấp đất để làm tiếp giai đoạn 2 hoặc dự án tại địa điểm mới khác.
“Dự án Đặng Xá của chúng tôi về cơ bản đã hoàn thành. Tới đây mong thành phố xem xét cấp cho chúng tôi khu đất sau nhà thi đấu Gia Lâm để chúng tôi triển khai tiếp các dự án mới vì hiện nay kinh nghiệm, năng lực đang rất tốt” - Tổng giám đốc Viglacera Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện nay có đến 90% người dân tại các đô thị không thể tự kiếm đủ tiền để mua nhà ở thương mại được. Do đó, với trách nhiệm của mình, Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước phải hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm một chỗ ở tử tế.
“Các doanh nghiệp như Viglacera, HUD… tới đây không cần phải xin thêm đất để làm nhà ở xã hội, mà chúng tôi buộc phải làm thêm các dự án khác, vì các anh là doanh nghiệp Nhà nước”, Bộ trưởng Dũng kết luận.