Bảo hiểm là một cách thức chuyển giao rủi ro mất mát một cách công bằng từ một cá thể này sang một cá thể khác thông qua phí bảo hiểm. Nhìn chung, mục tiêu chính của bảo hiểm là để san sẻ rủi ro.
Lấy ví dụ một cách đơn giản, người ta mua bảo hiểm nhân thọ vì lo rằng họ có thể “Chết quá sớm”. Không ai biết chắc được khi nào mình sẽ qua đời, bảo hiểm là phương tiện để đảm bảo rằng sự qua đời sớm hay không đúng lúc sẽ không xoá sạch thu nhập có thể có của một gia đình.
Xu hướng mua bảo hiểm của người Việt
Mặc dù chỉ mới được tự do hoá từ năm 1993, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục là một thị trường đầy hứa hẹn trong tương lai.
Sau hơn 20 năm tự do hóa, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã ghi nhận một mức tăng trưởng ấn tượng. Tổng mức phí bảo hiểm trung bình hàng năm tăng 35% trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2013. Con số này cho thấy số lượng người dân bỏ tiền tham gia mua bảo hiểm ngày càng nhiều, đồng nghĩa tiềm năng phát triển của thị trường bảo hiểm nước ta trong tương lai là rất lớn.
Bảo hiểm được chia làm 2 loại chính là bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và bảo hiểm phi nhân thọ (PNT). BHNT thì thường bảo vệ cho tính mạng và sức khỏe con người còn PNT thì thường bảo vệ cho tài sản của con người như nhà cửa, phương tiện v..v..
Sự khác biệt cơ bản của PNT so với BHNT là bạn chỉ được nhận tiền bồi thường khi có rủi ro xảy ra và nếu không có bất kỳ rủi ro nào, bạn sẽ không nhận được gì khi hợp đồng hết hạn. Chính vì vậy, PNT thường có bảo phí rất thấp so với BHNT và thời gian đóng phí và được bảo hiểm cũng rất ngắn (thông thường chỉ một, hoặc hai năm).
Tính từ năm 2005, PNT chiếm thị phần ít hơn so với BHNT (6 ngàn tỉ so với 9 ngàn tỉ ). Tuy nhiên chỉ sau 3 năm, PNT đã có bước tiến vượt bậc khi vượt qua BHNT vào năm 2008 (nhiều hơn 1 ngàn tỉ ) và giữ vững đà tăng trưởng cho đến năm 2013.
Xu hướng này phần nào cho thấy thực tế thú vị của người Việt Nam là họ ưu tiên bỏ tiền mua bảo hiểm cho tài sản trước tiên, sau đó mới đến tính mạng của bản thân và gia đình.
Nhận định này cũng chưa hẳn đã chính xác vì những năm gần đây, PNT cũng đã có sản phẩm bảo vệ cho con người, tuy nhiên những sản phẩm này chỉ được bảo hiểm trong thời gian ngắn và không có tính tích lũy tiết kiệm lâu dài như ở BHNT.
Cho đến năm 2013 thì tổng mức thu phí của BHNT và PNT đã xấp xỉ cân bằng nhau (23 ngàn tỉ so với 24 ngàn tỉ), đồng nghĩa rằng người dân Việt Nam đã có cái nhìn dài hạn hơn, và phần nào có ý thức hơn về việc hạn chế các “rủi ro” về tính mạng con người có thể xảy đến trong tương lai. Nói cách khác, xu hướng quan tâm cho tương lai lâu dài của bản thân và gia đình của người dân ngày càng được thể hiện rõ nét.
Nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế
Mặc dù nhu cầu bảo hiểm đang tăng, nhưng tỷ trọng tổng phí bảo hiểm trên GDP vẫn dậm chân tại chỗ, đạt 1,5% trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2013. Đây là một tỷ lệ khá thấp so với các nước khác trong khu vực (ví dụ Thái Lan: 14%, Malaysia: 16% ) cũng như nhu cầu thực tế của người dân Việt Nam.
Với dân số ước tính hơn 90 triệu người vào năm 2013 và số dân sử dụng sản phẩm bảo hiểm hiện vẫn còn rất thấp, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng đối với nhiều công ty bảo hiểm. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất đối với ngành này là nhận thức của người dân.
Người dân Việt nam thường quan tâm đến khía cạnh lợi nhuận chứ ít chú trọng tới khía cạnh “rủi ro”. Họ thường so sánh mức lãi suất nhận được khi chi trả cho gói bảo hiểm với mức lãi suất nhận được khi gửi số tiền đó vào ngân hàng. Từ đó suy ra đem tiền gửi vào ngân hàng sẽ có “lãi” hơn.
Một thách thức khác đối với sự phát triển của ngành bảo hiểm là vấn đề văn hóa. Tại Việt Nam, việc mua sản phẩm bảo hiểm được cho là một điềm xui xẻo, đặc biệt đối với BHNT. Ý nghĩ này đã tồn tại qua nhiều thế hệ và sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.