Giá vàng biến động mạnh trong thời gian gần đây khi giá vàng thế giới đã vượt mốc 1.400 USD/ounce, lên đỉnh cao nhất 6 năm. Trong nước, kể từ đầu tháng 6 đến nay giá vàng miếng đã tăng gần 3 triệu đồng/lượng, có những ngày giá vàng tăng mạnh tới 1 triệu đồng/ lượng.
Đến sáng nay (26/6), giá vàng có phần giảm nhiệt nhưng vẫn neo cao trên 39 triệu đồng/lượng. Trước đó, giá vàng SJC tăng vọt lên 39,5 triệu đồng/lượng; vàng nữ trang tăng lên gần 40 triệu đồng/lượng.
Vàng biến động mạnh trong những ngày qua là hiếm thấy trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo quan sát tại các điểm kinh doanh, giao dịch vàng lại không có đột biến. Các doanh nghiệp vàng cho biết, giao dịch có tăng nhưng không đáng kể, chủ yếu người dân mang đi bán khi thấy giá lên, không có cảnh xếp hàng đợi mua.
Ảnh minh họa
Với người Việt, thói quen giữ vàng trong nhà như một tài sản lưu trữ và đầu tư là vẫn có nhưng không còn hấp dẫn như giai đoạn trước năm 2013 kể từ khi có nghị định về quản lý thị trường vàng. Điều này cũng được phản ánh từ hoạt động kinh doanh vàng của các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng, đa phần đã không còn "mặn mà" với vàng miếng.
So với giai đoạn 2012-2013, số ngân hàng còn kinh doanh vàng miếng hiện nay đã giảm đáng kể. Năm 2018, số nhà băng có ghi nhận doanh thu từ vàng chỉ còn trên dưới chục cái tên như VietinBank, Eximbank, Sacombank, ACB, SHB, MBBank, VPBank,….
Trong năm 2018, một ngân hàng lớn là BIDV cũng đã chấm dứt hoạt động của 1 địa điểm kinh doanh vàng và cũng không ghi nhận doanh thu hay chi phí từ kim loại quý này. Các ngân hàng còn ghi nhận doanh thu từ vàng thì kết quả cũng rất thấp.
VietinBank đang là ngân hàng có doanh thu từ vàng miếng cao nhất trong hệ thống, đạt 458 tỷ đồng trong năm 2018, song chi phí cũng rất lớn khiến lãi thuần từ hoạt động này chỉ đạt 1,8 tỷ, tương đương tỷ suất lợi nhuận chỉ chưa tới 1%. Trong 4 năm gần đây, lãi từ kinh doanh vàng của VietinBank cũng đều èo uột, thậm chí còn bị âm trong năm 2017.
Tương tự VietinBank, các ngân hàng có hoạt động kinh doanh vàng như Eximbank, Sacombank, ACB,…cũng giảm dần hoạt động ở mảng này. Năm 2018, doanh thu từ kinh doanh vàng của Eximbank chỉ còn 79 tỷ đồng, lãi chỉ đạt 16,8 tỷ; Sacombank doanh thu 32 tỷ, lãi 24 tỷ; ACB doanh thu 6,03 tỷ, lãi chỉ vỏn vẹn 3,7 tỷ đồng. Thậm chí, VPBank còn bị lỗ từ kinh doanh vàng trong năm qua (-2,4 tỷ đồng).
Trên thực tế, kể từ đỉnh hơn 46 triệu đồng/lượng năm 2011, giá vàng từ đó đến nay chỉ lình xình quanh mức 35,5-36,5 triệu đồng/lượng, thỉnh thoảng tăng lên trên 37 triệu đồng nhưng rồi cũng giảm nhiệt rất nhanh. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng trên toàn hệ thống, các ngân hàng chỉ được giữ hộ hoặc cho thuê két sắt với vàng khiến vàng gửi tại ngân hàng giảm mạnh.
Không chỉ các ngân hàng mà các doanh nghiệp vàng hiện nay cũng không "sống" bằng kinh doanh vàng miếng. Tỷ suất lợi nhuận gộp của vàng miếng hiện nay thường chỉ trong khoảng 0,1-0,5%, để có 1 tỷ đồng lãi thì doanh số phải đạt 2.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đang dần dịch chuyển cơ cấu sang mảng vàng trang sức, kim cương, thậm chí là bán đồng hồ.
Trong các "ông lớn" kinh doanh vàng, PNJ chuyển dịch sang mảng trang sức nhanh hơn so với SJC và DOJI. Do đó, mặc dù doanh thu PNJ chỉ bằng một phần nhỏ so với DOJI, SJC nhưng lợi nhuận vượt xa, đạt 960 tỷ đồng năm 2018 (sau thuế), còn DOJI và SJC chỉ lần lượt đạt 28 tỷ và 80 tỷ.
Trong báo cáo gửi Quốc hội kỳ họp thứ 7 khóa XIV, Ngân hàng Nhà nước cho biết sau khi siết kinh doanh và giao dịch vàng miếng từ năm 2013 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm. Thị trường vàng tiếp tục diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt. Việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã được ngặn chặn, tập quán sử dụng vàng làm thước đo giá trị cũng dần thay đổi, việc huy động, cho vay vốn bằng vàng hoàn toàn chấm dứt ; nguồn vốn bằng vàng từng bước chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác phục vụ phát triển kinh tế xã hội. NHNN chưa phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng, can thiệp thị trường.