Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa ban hành văn bản chỉ định một số NH thực hiện thí điểm sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà (NH, nhà sản xuất, nhà thầu và nhà đầu tư).
8 ngân hàng vào cuộc
Theo đó, NH Nhà nước chỉ định 8 ngân hàng thương mại: Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV), Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Xây dựng Việt Nam (VNCB), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cùng triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà.
Đây được xem là bước đi tiếp theo sau khi VNCB cùng Tập đoàn Thiên Thanh đứng ra công bố gói tín dụng liên kết 4 nhà trị giá 50.000 tỉ đồng hồi tháng 3 vừa qua.
Việc triển khai gói tín dụng liên kết 4 nhà nhằm góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, hàng tồn kho vật liệu xây dựng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) có nợ quá hạn có thể vay vốn hoàn thành đúng tiến độ. Mặt khác, các NH cũng kiểm soát được dòng tiền, bảo đảm vốn vay sử dụng đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu nợ xấu...
Lãnh đạo một NH thương mại tham gia vào gói tín dụng cho biết: "Trước đây, cho vay bất động sản thường đối mặt nhiếu rủi ro bởi một dự án có rất nhiều hợp đồng vay vốn từ 4 nhà. Nay, với sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà, một dự án chỉ cần 1 hợp đồng vay thông qua nhà tổ chức. Trên cơ sở khối lượng và dự toán của dự án, nhà tổ chức sẽ đứng ra vay NH. Và NH sau đó sẽ đứng ra chi trả tiền trực tiếp cho các bên có liên quan đến dự án khi đã sự có xác nhận".
Do chuỗi liên kết NH, nhà sản xuất, nhà thầu và nhà đầu tư được kết nối thông qua nhà tổ chức, các NH sẽ bơm vốn giá rẻ cho nhà tổ chức đề mua vật liệu xây dựng với số lượng lớn cung cấp cho nhà thầu và chủ đầu tư, góp phần giảm chi phí, đầu tư, nhờ đó giá thành bất động sản sẽ giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của dự án.
Hài hòa lợi ích
Giới phân tích cho rằng đối tượng có lợi đầu tiên trong chuỗi này là các NH bởi dòng tiền tài trợ được lưu thông khép kín. Vừa giúp NH giải phóng được lượng tiền tồn kho nhưng vẫn kiểm soát được dòng tiền một cách chắc chắn. Các DN làm ăn hiệu quả sẽ trả được cả nợ gốc và lãi cho NH, nhờ vậy mà tỉ lệ nợ xấu có khả năng giảm nhanh.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng được lợi do được giới thiệu nhà thầu mua vật liệu xây dựng, được bảo đảm khả năng thanh toán đúng tiến độ, giải phóng được hàng tồn kho. Nhà sản xuất còn được tiếp cận vốn mới dù các khoản vay cũ vẫn chưa thanh toán hết cho NH.
Trong khi đó, nhà thầu được giới thiệu các dự án khả thi, bảo đảm khả năng thanh toán đúng tiến độ, được cung cấp nguyên vật liệu với giá cạnh tranh…Nhà đầu tư dự án sẽ được giới thiệu nhà thầu có uy tín, giàu kinh nghiệm, có năng lực tài chính…
Ở một góc độ khác, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ Quốc gia, cho rằng nhà nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ chuỗi liên kết cho vay bất động sản bởi hàng hóa và tiền tệ được lưu thông. Các NH bơm tiền ra thị trường một cách gián tiếp nên lạm phát sẽ được kiểm soát.
DN tham gia chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả sẽ góp phần tăng nguồn thu và người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với các sản phẩm giá rẻ, từ đó sẽ hình thành thị trường xây dựng chuyên nghiệp và phát triển lành mạnh.