“Sáng giờ tôi chạy được 4 cuốc rồi! Mỗi chuyến mất khoảng 50 phút vì đường khó đi, ổ gà, ổ voi quá nhiều…”. Đứng trên chiếc xe ngựa nhấp nhô di chuyển và gạt vội những giọt mồ hôi, anh Lê Hồng Tương (xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương) hổn hển khoe với chúng tôi.
Xe ngựa tại điểm tập kết nông sản
Theo anh Tương, do nhiều nông dân trồng rau, củ, quả…tại các vùng đất heo hút, đường đi khó khăn nên những chiếc xe ngựa phát huy năng lực vận chuyển, chủ xe tăng thêm thu nhập. “Thế mỗi chuyến thu được bao nhiêu tiền" - chúng tôi hỏi.
“Tùy theo đoạn đường gần hay xa, đường đi khó hay dễ. Thông thường tôi chở rau, khoai tây, hành tây, hành lá...mỗi chuyến khoảng 150kg là vừa đủ. Vào mùa thu hoạch, ngựa và tôi phải làm việc cật lực mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản từ các nhà vườn.”- anh Tương cho biết.
Tuy nghề xe ngựa khá vất vả nhưng thu nhập của những người làm nghề này gần 10 triệu đồng/tháng. Hầu hết ai cũng chở rau, hoa… Khi nông dân chưa có nhu cầu chở nông sản thì anh em lái xe ngựa kiếm thêm thu nhập từ việc vận chuyển rác (nông sản phế thải), phân bón cho bà con nông dân chuẩn bị vụ mùa mới. “Nhờ xe ngựa mà gia đình tôi thoát nghèo, đủ tiền cho con ăn học, xây nhà cửa đâu vào đấy...”- anh Đậu Văn Hùng (xã Lạc Thành, huyện Đơn Dương) tâm sự.
Một số “tài xế” xe ngựa cho chúng tôi hay chỉ cần bỏ ra 35 triệu đồng để mua ngựa, cộng thêm 15 triệu đồng đóng thùng xe là có ngay chiếc xe ngựa chuyên chở hoa, rau, vật liệu xây dựng…để mưu sinh.
Thấy nhiều người sắm xe ngựa làm ăn khấm khá, năm 2010, anh Lâm Toàn Hưng (xã Lạc Viên, huyện Đơn Dương) mạnh dạn đầu tư một con ngựa và xe gần 40 triệu đồng. Sau hơn 4 năm hành nghề, anh Dương không chỉ thu hồi vốn mà còn có tiền mua đất mua đất cất nhà, trang trải chi phí học hành cho con cái.
Theo anh Hưng, lợi thế của xe ngựa là kích thước nhỏ gọn, bề ngang chỉ khoảng 1,5m, chiều dài 4 m (tính luôn cả ngựa). Do đó, con đường nào xe ngựa cũng có thể len lỏi tới. Người hành nghề xe ngựa gần như không thiếu việc làm. Đặc biệt, ngựa nơi đây cũng luôn có sẵn nguồn thức ăn là nông sản dư thừa của bà con nông dân.