Ông Võ Tấn Hoàng |
Mục tiêu hoạt động của VAMC là đưa khối nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng và bù lại, VAMC sẽ cung cấp một lượng vốn mới cho các tổ chức tín dụng (TCTD) để đưa vào hoạt động kinh doanh, cung cấp vốn cho nền kinh tế và làm sạch bảng cân đối kế toán của các TCTD. Mục đích thứ hai có thể đạt được nhanh chóng khi TCTD bán/chiết khấu nợ xấu cho VAMC, còn mục đích thứ nhất có thể phải được xem xét kỹ hơn, do bản thân các TCTD hiện nay đang khá thừa vốn và việc giải ngân cho vay mới đang bị đình trệ.
Theo tôi, vấn đề tiếp theo là phải tìm đầu ra cho các khoản nợ xấu, nếu như TCTD coi việc bán nợ xấu cho VAMC để tạo ra thị trường sơ cấp, thì VAMC phải tạo ra thị trường thứ cấp nhằm mua bán nợ xấu/tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu, tái cấu trúc các khoản nợ xấu, thực hiện tiếp thị, thu hút các nguồn vốn xã hội khác tham gia. Làm được như vậy, VAMC sẽ giúp giải quyết nhanh chóng nợ xấu của các TCTD.
Thị trường mua bán nợ xấu nếu được tổ chức tốt sẽ thúc đẩy sự phát triển của một số dịch vụ hỗ trợ bao gồm dịch vụ định giá tài sản, dịch vụ tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp, thẩm định tài chính, tư vấn tài chính, tư vấn luật và tạo ra động lực cho các nhà đầu tư (NĐT) tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
* Chậm trễ thành lập VAMC, nợ xấu ở Việt Nam sẽ ra sao?
Đối với nợ xấu, việc càng để lâu, chậm xử lý sẽ càng làm cho giá trị nợ xấu giảm đi. Chúng ta đã thấy một số tài sản liên quan đến nợ xấu gồm rất nhiều các con tàu, nhà xưởng dừng hoạt động, nằm phơi mưa phơi nắng qua nhiều năm, nếu tình trạng này kéo dài, khả năng thu hồi là rất thấp. Việc tìm kiếm người mua đối với các tài sản này trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay là một thách thức rất lớn cho các TCTD.
Do đó, VAMC nên đi vào hoạt động càng sớm càng tốt, dù khó có thể giải quyết nhanh chóng vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, VAMC cần có thời gian để điều chỉnh phương cách hoạt động của mình cho phù hợp với thị trường và tạo ra thị trường mua bán nợ xấu/tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu. Có thể nói, bản thân VAMC cũng chịu những sức ép rất lớn trước khi đi vào hoạt động, do áp lực và sự mong đợi của thị trường, vốn đang coi VAMC là “cứu cánh” để giải quyết nợ xấu. Trong khi đó, vấn đề xử lý nợ xấu phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi phải có một lượng tài chính lớn và sự chấp nhận tổn thất của ban lãnh đạo và cổ đông các TCTD.
VAMC nên được coi là một trong các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu của các TCTD Việt Nam, việc giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ khác, trong đó bao gồm các chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế của Chính phủ liên quan đến mua bán nợ xấu. Có một thực tế là tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng được đánh giá là cao, nhưng hầu hết TCTD lại đang thừa thanh khoản, việc giải ngân cho vay bị ứ đọng nên tự bản thân TCTD chưa quá sốt ruột để tiếp nhận nguồn vốn mới từ VAMC.
* Theo ông, làm thế nào để VAMC đi vào hoạt động hiệu quả?
Với tư cách là một tổ chức mới đi vào hoạt động, VAMC nên áp dụng theo đúng mô hình công ty quản lý tài sản đã hoạt động thành công tại các quốc gia khác. Không nên để VAMC hoạt động như một tiệm cầm đồ, mà phải có cơ chế để Công ty có thể bán các khoản nợ xấu cho các NĐT tiềm năng, bao gồm cả NĐT nước ngoài. Thực tế, thị trường mua bán tài sản xấu là một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT nước ngoài.
Một trở ngại có thể làm cho thị trường mua bán nợ xấu hoạt động không hiệu quả là bất cập liên quan đến tình trạng pháp lý của các tài sản đảm bảo, thủ tục sang nhượng, các loại thuế có liên quan…, cần sớm gỡ bỏ các rào cản này.
Việc liên kết với các bộ, ban, ngành, địa phương để hỗ trợ chuyển giao tài sản trong quá trình mua bán nợ xấu/tài sản xấu cũng cần được xem xét nhằm đẩy nhanh quá trình bàn giao. Bên cạnh đó, các ban, ngành có liên quan cần có sự đồng bộ để nhanh chóng hỗ trợ, xúc tiến thương mại cho các NĐT khi họ mua lại các tài sản xấu để tái cấu trúc nợ xấu và đưa các khoản nợ xấu/tài sản xấu tái tham gia quá trình sản xuất - kinh doanh, đó mới là đích cuối cùng của quá trình xử lý nợ xấu