Thông tin nêu trên được ông Trần Như Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh xác nhận với báo chí sáng 2-12.
Trước đó, dự án D’.Palais de Louis từng được khởi công cuối năm 2009, được quảng cáo rầm rộ với các căn hộ có nhiều chi tiết dát vàng 24K. Giá chào bán mỗi m2 đã hoàn thiện khi đó là trên 100 triệu đồng, tương đương việc người mua phải bỏ ra 13-27 tỉ đồng (1,3 triệu USD) để sở hữu căn hộ. Khách mua các căn penthouse tại đây thậm chí phải trả khoảng 100 tỉ đồng.
Tại thời điểm mở bán, chủ đầu tư cho biết đã có khoảng 60 khách hàng đăng ký mua (chiếm khoảng một phần tư dự án). Tuy nhiên, theo ông Trần Như Trung, do thị trường đi xuống sau đó, một số khách hàng gặp khó khăn nên Tân Hoàng Minh đã ra quyết định trả tiền (gồm cả lãi) cho những người không muốn tham gia mua dự án.
"Đến giờ phút này, chúng tôi chưa chính thức bán căn hộ cho một khách hàng nào. Tân Hoàng Minh cũng muốn chuẩn bị thật kỹ để sản phẩm bán ra thị trường không phải chịu bất kỳ một áp lực nào" - ông Trung nói.
Nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội), D’.Palais de Louis là dự án căn hộ có 27 tầng. Theo đại diện chủ đầu tư, doanh nghiệp đang hoàn thiện công đoạn xây tường ngăn, tường bao, lắp đặt thang máy và hệ thống cơ điện. Hệ thống hạ tầng và 15 căn hộ mẫu dự kiến được hoàn thiện vào năm 2015.
Trước đó, doanh nghiệp từng cho biết sẽ bàn giao nhà trong năm 2015, song tại tại buổi trao đổi sáng 2-12, ông Trung không đưa ra mốc thời gian cụ thể nào cho việc hoàn thiện. "Chúng tôi đang đã xúc tiến hợp đồng lắp nội thất cho các căn hộ. Dự án vẫn đang được triển khai rất tích cực" - Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho hay.
Những năm trước, Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng gây không ít ngạc nhiên trên thị trường bất động sản với một loạt dự án siêu sang, cao cấp theo lối kiến trúc Pháp cổ tại các vị trí đắc địa như mặt đường Hàng Bài (Hoàn Kiếm), Hoàng Cầu (Đống Đa), Đặng Thai Mai (Tây Hồ), Phú Thượng (Tây Hồ)... Hầu hết các tòa nhà đều được dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2013-2015. Tuy nhiên, đến nay, chỉ duy nhất dự án trên đường Nguyễn Văn Huyên được triển khai, còn lại đều bị chậm tiến độ.
Lý giải về sự chậm trễ này, ông Trung cho biết hầu hết đều do nguyên nhân chủ quan như xin giấy phép quy hoạch, đền bù, giải tỏa. "Các dự án đều năm trong khu vực đất vàng nên việc xin giấy phép rất phức tạp. Tôi lấy ví dụ như dự án D'.San Raffles, Hàng Bài chúng tôi đóng tiền sử dụng đất từ năm 1995 nhưng gần đây mới gần hoàn thiện các thủ tục pháp lý và dự kiến đến quý II năm tới mới khởi công" - ông Trung nói.
Trước một số ý kiến nghi ngờ về năng lực tài chính của chủ đầu tư, ông Trung cho biết điều này không có căn cứ. "Đúng là Tân Hoàng Minh đang có nhiều dự án nhưng chỉ có dự án trên đường Nguyễn Văn Huyên đang được xây dựng. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ đều do nhân tố khách quan. Hơn nữa chúng tôi không để xảy ra tình trạng khách hàng phải khiếu kiện vì các vấn đề liên quan đến tài chính, huy động vốn cho dự án" - ông Trung nhấn mạnh.
Do đó, đại diện Tập đoàn cho biết, chủ đầu tư không có ý định bán bất kỳ dự án nào trong số đơn vị này đang sở hữu. "Vào thời kỳ xấu nhất, phân khúc cao cấp vẫn có người mua tuy chỉ chiếm phần nhỏ. Nếu những dự án của chúng tôi ở vị trí xa trung tâm thì có thể sẽ thất bại. Tuy nhiên, các dự án của Tân Hoàng Minh đều nằm ở những vị trí đẹp, có điều kiện cần để phát triển phân khúc cao cấp" - vị này nói.