Tuy nhiên, ngay ở thị trường mới mẻ này, hàng hóa Trung Quốc cũng đã “nhanh chân” hơn hàng trong nước.
Tràn ngập trên mạng hàng nhái của Trung Quốc
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam tổng số lượng người dùng internet vào khoảng 35 triệu, trong đó có khoảng 15 triệu người dùng đã từng truy cập các website thương mại điện tử (TMĐT), chiếm 43% lượng người dùng internet. Theo dự đoán, năm 2013 thị phần TMĐT sẽ tăng trưởng khoảng 50% và sẽ có khoảng 3,4 triệu người hoạt động thường xuyên trên các website TMĐT.
Chợ “ảo” có lợi thế hơn chợ “thật” bởi tính đa dụng “mọi lúc mọi nơi”. Chỉ cần một máy tính nối mạng, người mua có thể thoả sức “lướt” các chợ và tìm món hàng mình cần. Người mua lại chỉ có thể xem hàng qua ảnh hay mô tả của người bán chứ không được “xem tận mắt, sờ tận tay”. Đây chính là kẽ hở dễ tạo ra những cái mánh lừa đảo của người bán theo kiểu “treo đầu đe bán thịt chó”.
Chị Thu Hà, nhân viên văn phòng, cho biết chị đã từng truy cập vào một trang web mua sắm online để mua mỹ phẩm và quần áo trẻ em nhưng hoàn toàn thất vọng về chất lượng sản phẩm. Nhìn mẫu mã mĩ phẩm và quần áo trên trang web thì rất đẹp lại giới thiệu hàng mỹ phẩm Hàn Quốc, hàng may mặc trong nước. Tuy nhiên, đến khi nhận được hàng thì hàng rất xấu, mác bị cắt nham nhở và không rõ xuất xứ. Vài ngày sau, chị phát hiện ở ngoài chợ có những mặt hàng y hệt được dán mác “made in China”.
Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, tỉ trọng hàng Trung Quốc chiếm đến 70 – 90% tại các trang web trên. Mặt hàng gia dụng, đồ dùng tiện ích cho gia đình, đồ điện tử đều là hàng “made in China”. Đối với hàng may mặc, túi xách thời trang, mỹ phẩm thì hàng “fake” từ Trung Quốc cũng chiếm ưu thế hơn hẳn. Từ các trang web chuyên kinh doanh hàng hóa, rao vặt như
www.3m...,
www.mua...,
www.enba... đến các trang mua sắm theo nhóm như
www.muac...,
www.cuc...;
www.cung... đều “ngập” hàng Trung Quốc.
Không loại trừ khả năng, các sản phẩm này chưa được phép lưu hành hay thiếu các đăng kí về vệ sinh an toàn thực phẩm, qua kiểm định của cơ quan chức năng. Ngoài ra khá nhiều mặt hàng có tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” do các nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận.
Các trang web thương mại điện tử hầu hết đều do tư nhân quản lý. Với số lượng hàng hóa lớn, rao bán ồ ạt, khó có thể kiểm định được nguồn gốc xuất xứ chứ đừng nói đến chất lượng của mặt hàng rao bán, thậm chí thông tin về người bán cũng chỉ gói gọn qua nickname trên diễn đàn và số điện thoại di động.
Hàng bán trong siêu thị “mập mờ” xuất xứ
Không riêng gì chợ “ảo”, ngay cả siêu thị cũng bán đầy rẫy đồ chơi, dụng cụ học tập, quần áo xuất xứ từ Trung Quốc. Dù đồ chơi ở đây có nhãn ghi rõ xuất xứ Trung Quốc và có dán tem hợp chuẩn khiến cho người tiêu dùng mua sắm yên tâm hơn.
Ngay cả các mặt hàng gia dụng (bình giữ nhiệt, ấm đun nước, nồi cơm điện, xoong chảo, máy làm sữa chua, dụng cụ vắt cam...) và đồ nhựa, bát đĩa, rổ giá… tại các hệ thống siêu thị ở Hà Nội hàng Trung Quốc cũng lất lướt hàng nội địa.
Siêu thị Big C cũng đã từng khiến người tiêu dùng hoảng hốt về vụ “mập mờ” xuất xứ nho Việt Nam có gắn cờ Trung Quốc. Tuy nhiên, đại diện siêu thị này cho biết, mặt hàng nho Việt Nam có nguồn gốc từ vùng Ninh Thuận được cung cấp bởi Nhà cung cấp Minh Quang có trụ sở tại Đan Phượng – Hà Nội với đầy đủ giấy tờ theo đúng qui định. Còn việc gắn cờ Trung Quốc vào sản phẩm là do… sơ xuất của nhân viên trong quá trình đóng khay bày bán đã dán nhầm cờ chỉ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Với các mặt hàng thực phẩm, nông sản bán tại siêu thị, người tiêu dùng cũng rất lo ngại tình trạng các siêu thị “mập mờ” xuất xứ và dễ mua phải hàng Trung Quốc. Để tránh hàng ngoại “đội lốt” nông sản Việt, lãnh đạo một siêu thị có trụ sở ở Hà Nội và chi nhánh TP HCM đã phải liên kết với các vùng sản xuất, chỉ rõ địa lý trên cơ sở tính toán rõ nhu cầu của mình và cam kết lượng đặt hàng đó cả một mùa vụ, cả một năm... để ứng vốn và cam kết sử dụng sản phẩm với nông dân.