Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, giao dịch thương mại điện tử Việt Nam đã đạt giá trị 2,2 tỉ USD năm 2013 và có thể chạm ngưỡng 4 tỉ USD vào năm 2015.
Sự phát triển này kéo theo “đội quân” giao hàng nhanh gia tăng từng ngày. Các công ty giao nhận chuyên nghiệp như: giaohangso1.vn, tochanh.vn, giaohangnhanh.vn, giaohangonline Rồng Xanh, Zozoship.vn,… xuất hiện ngày các nhiều khắp các nẻo đường TP HCM cũng như các thành phố lớn.
Theo bảng giá công bố của các doanh nghiệp giao nhận thì mức cước mỗi đơn hàng từ 10.000 đồng – 35.000 đồng, tùy vào khu vực nội hay ngoại thành và thời gian giao nhanh hay chậm. Hàng hóa được giao cho dịch vụ này chủ yếu là những món hàng nhỏ, gọn và không phải là thực phẩm tươi sống. Mỗi ngày, các nhân viên giao hàng chuyên nghiệp tại TP HCM thường phải di chuyển khoảng 40 km, nhận hàng tại 5-10 điểm và chuyển phát 30-40 đơn hàng/ngày
Ông Lê Thanh Vịnh, Giám đốc Điều hành Công ty CP đầu tư và giao nhận SGDS (tochanh.vn, quận Tân Bình), cho biết đến nay công ty đi vào hoạt động được 1 năm 3 tháng, từ 3 người sáng lập, đến nay đã có hơn 30 nhân viên. “Từ những đơn hàng đầu tiên ngày đầu, đến nay, mỗi ngày công ty giao nhận khoảng 1.000 đơn hàng đi khắp các quận, huyện tại TP HCM. Trung bình mỗi ngày nhân viên sẽ đến khoảng 10 shop để nhận hàng giao hàng đến 35 địa chỉ tại khu vực phụ trách ” - ông Vịnh nói.
Một đơn vị giao nhận lớn khác tại TP HCM là giaohangso1.vn của Công ty TNHH Truyền thông Tâm Điểm (quận 8) chưa đầy một năm cũng “nở nồi” từ 5 cộng sự lên 60 nhân viên theo sự gia tăng của đơn hàng. Ông Trần Thiện Trung, phụ trách dự án này, chia sẻ do tiềm lực tài chính có hạn nên sự phình to của công ty không phải để đón đầu thị trường mà phát triển nhân sự theo nhu cầu của khách hàng để việc kinh doanh đảm bảo đời sống nhân viên công tác cùng nhau ổn định và lâu dài.
Hay như Công ty CP Đầu tư Thương mại và Chuyển phát nhanh F1 (giaohanhnhanh.vn) mới thành lập giữa năm 2012 đến nay đã “phủ sóng” đến 63 tỉnh, thành trong cả nước và đảm nhận khâu giao nhận cho nhiều nhà bán lẻ lớn trên thị trường.
Không chỉ những đơn vị nhỏ lẻ, tự phát mà những “ông lớn” như Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), Kerry Express, Ups... cũng bắt đầu tham gia vào dịch vụ giao nhận hàng hóa nội địa và chuyển phát dành cho thương mại điện tử tạo nên một thị trường tưởng chừng im ắng nhưng lại cạnh tranh hết sức khắc nghiệt. Theo tìm hiểu, chưa hết năm 2014 nhưng đã có 2 trong 5 công ty tiên phong trong lĩnh vực giao nhận ở TP HCM phải từ bỏ “cuộc chơi” vì không đủ tiềm lực để duy trì và mở rộng hoạt động.
Chia sẻ lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này, đồng sáng lập một công ty giao nhận cho biết phần lớn chủ nhân của các công ty này đều là những người trẻ (dưới 35 tuổi), vừa kinh doanh vừa hoàn thiện quy trình của mình. “Tuyển chọn con người là điều hết sức quan trọng đối với hoạt động này. Mỗi nhân viên giao nhận có mức lương từ 5,5-7 triệu đồng/tháng trong khi số tiền hàng họ thu hằng ngày lên đến hàng chục triệu đồng. Vì vậy mà việc tuyển dụng và quản lý nhân sự phải được thực hiện rất chặt chẽ” - anh này nói.
Nói về lý do lựa chọn dịch vụ giao hàng nhanh thay vì tự xây dựng đội ngũ giao nhận riêng cho mình, lãnh đạo trang bán hàng thời trang chon.vn cho biết hiện nay phần lớn các website đều miễn phí giao hàng cho khách với mục tiêu làm hài lòng khách hàng và tăng tính cạnh tranh trên thương mại điện tử. Vì thế, các công ty thường trích phần lợi nhuận của mình để bù cho phần chi phí giao hàng và phần chi phí giao hàng này thường chiếm từ 6% đến 10% tổng giá trị đơn hàng.
“Sở dĩ chon.vn không tự xây dựng đội ngũ giao hàng mà cộng tác với một công ty giao hàng chuyên nghiệp là để tập trung vào công tác chọn lọc hàng hóa, quản trị website. Hơn nữa, công ty giao nhận chuyên nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển toàn quốc một cách nhanh chóng, an toàn và hiệu quả nhất, có thể vận chuyển đến huyện xã một cách dễ dàng, không bị giới hạn địa lý.” – vị này khẳng định.