VnMoney
29/07/2017 11:55

Giảm sở hữu chéo ngân hàng: Chỉ đạo thôi là chưa đủ

Với nỗ lực và quyết tâm tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính, thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều chỉ đạo để giảm sở hữu chéo các TCTD xuống mức an toàn.

Giảm sở hữu chéo ngân hàng: Chỉ đạo thôi là chưa đủ - Ảnh 1.

Tuy nhiên, chỉ đạo thôi là chưa đủ, vấn đề này cần tới nỗ lực và ý thức của các ngân hàng cũng như các bên liên quan.

Vẫn lòng vòng sở hữu

Xét tổng thể, nhóm các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đều đang sở hữu các TCTD khác. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ hơn, có cổ phần của các ngân hàng “đại gia” nhưng cũng đang nắm giữ khá nhiều cổ phần tại các TCTD khác.

Giữa tháng 7, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc tại NHNN và đưa ra 6 nhiệm vụ yêu cầu NHNN đôn đốc thực hiện toàn diện hơn, với những giải pháp mạnh hơn. Liên quan đến sở hữu chéo các TCTD, Tổ công tác nhận định, sau khi NHNN ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, việc sở hữu chéo được các TCTD kiểm soát tốt hơn, nhưng không phải không còn.

Dù có nỗ lực thực hiện Thông tư 36, nhưng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện vẫn sở hữu hơn 7,16% cổ phần Ngân hàng TMCP Quân đội- MB (giảm từ mức 9,8% trước đó); 8,19% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam- Eximbank (trước đó là 8,2%); 4,3% cổ phần Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Công Thương- SaigonBank (trước đó là 5,26%); 5,07% cổ phần Ngân Hàng TMCP Phương Đông- OCB – mức này thậm chí đã tăng lên khi trước đó Vietcombank chỉ có 4,6% cổ phần tại OCB.

Như vậy, ngân hàng này đang “vi phạm” quy định của Thông tư 36 khi Thông tư này quy định một ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó; NHTM nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con hoặc được NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN.

Bên cạnh nhiều ngân hàng vẫn đang nắm giữ lượng cổ phần vượt quy định, không ít ngân hàng, DN đã và đang tìm cách giảm mức này xuống để tuân thủ theo Thông tư 36. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Him Lam đã thoái toàn bộ số vốn cổ phần sở hữu tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và không còn là cổ đông từ ngày 23/6. Trước đó, công ty này là cổ đông sáng lập, đồng thời là cổ đông lớn nhất tại LienVietPostBank sở hữu tới 14,98% vốn điều lệ, tương đương 96,77 triệu cổ phiếu. Đây được xem là động thái tích cực để tránh tình trạng sở hữu chéo khi vị Chủ tịch HĐQT Him Lam ngồi vào “ghế nóng” của Ngân hàng TMCP Thương tín Sài Gòn (Sacombank).

Chính vì thế, báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã nhận định, tình hình sở hữu chéo, đầu tư chéo các TCTD dần được kiểm soát. Còn theo NHNN, sở hữu chéo, đầu tư chéo các TCTD được xử lý một bước; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần có những giải pháp quyết liệt hơn, khi nhiều chuyên gia cho rằng, còn nhiều cặp sở hữu chéo các TCTD đang “ẩn mình” dưới nhiều tầng lớp nhằm phục vụ lợi ích nhóm hay để che giấu tình trạng “ọp ẹp” về tài chính của ngân hàng và DN có liên quan.

Quyết liệt

Có thể thấy, giảm sở hữu chéo các TCTD là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc cơ cấu lại TCTD. Theo đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/7, mục tiêu là phải tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị các TCTD theo quy định pháp luật và theo thông lệ quốc tế. Do đó, giải pháp đặt ra là phải bổ sung các quy định để tăng cường xử lý sở hữu chéo các TCTD, ngăn ngừa lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của các TCTD và các bật cập về pháp lý liên quan khác.

Theo đó, Đề án đã đặt ra yêu cầu phải rà soát, sửa đổi, bổ sung khái niệm “người có liên quan” để đảm bảo bao quát rộng hơn các trường hợp có cùng lợi ích; rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện với các chức danh Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên, thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc… theo hướng chặt chẽ hơn; sửa đổi các quy định về giới hạn sở hữu cổ phần đối với cổ đông của TCTD nhằm đại chúng hóa cổ đông, hạn chế sự thao túng… Ngoài ra, Đề án còn yêu cầu phải niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại trên thị trường chứng khoán để tăng tính đại chúng; các ngân hàng phải công bố công khai, minh bạch, chính xác thông tin về chiến lược kinh doanh, sở hữu, tình hình tài chính, cơ cấu quản lý; nâng cao trách nhiệm giải trình của các TCTD với công chúng…

Trước đó, NHNN đã ban hành nhiều văn bản pháp quy liên quan đến việc xử lý các hình thức sở hữu chéo các TCTD, giảm tỷ lệ sở hữu vốn giữa các TCTD. Chỉ đạo của Chính phủ cũng nhiều lần yêu cầu phải xử lý rốt ráo tình trạng này. Mới đây, Nghị quyết số 61 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 đã yêu cầu NHNN tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và thao túng trong hoạt động của các TCTD kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng đây vẫn là vấn đề nói nhiều năm chưa “thông”. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, những quy định này chưa được thực hiện phần lớn là do ý thức của các cổ đông. Bởi họ có cổ phần lớn, nhờ đó lợi dụng được vị thế để phát triển kinh doanh, lợi dụng được cổ phần để gom quyền lực thì những cổ đông này không muốn tước bỏ quyền lực của mình. “Với nhiều người, việc nắm quyền điều hành một ngân hàng là có một công cụ tài chính rất hữu hiệu để tài trợ những dự án, doanh nghiệp của họ. Mặc dù có giới hạn về tín dụng, nhưng họ vẫn có cách để vượt giới hạn đó”, TS. Hiếu nhận định.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, mặc dù chỉ đạo đưa ra nhiều, nhưng việc thực hiện bên dưới vẫn chưa thật mạnh tay nên chưa thể thanh kiểm tra toàn diện để tìm ra những sở hữu chéo các TCTD ẩn mình trong hệ thống để xử lý triệt để. Do vậy, những giải pháp nêu trên được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình xử lý “nhức nhối” lâu năm của ngành ngân hàng này.

Hơn nữa, để giải quyết tình trạng này, theo một nguyên cứu của các chuyên gia Đại học Kinh tế quốc dân, ngành ngân hàng cần nâng cấp toàn diện mức độ an toàn lên một chuẩn mực mới cao hơn, theo lộ trình của Basel II, có tính đến các điều chỉnh mới trong Basel III. Trong trung và dài hạn, các TCTD có uy tín lớn có thể chọn thêm giải pháp niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế, gia tăng năng lực tài chính, tạo áp lực để áp dụng các thông lệ quốc tế và chuẩn mực kế toán tốt nhất trong quản trị DN; tạo sự liên thông giữa thị trường vốn trong và ngoài nước, góp phần từng bước ổn định thị trường vốn trong nước. Những phương án này sẽ góp phần kiểm soát và giám sát sở hữu chéo các TCTD.

Nhìn chung, sở hữu chéo các TCTD ở nước ta vẫn là câu chuyện “ngổn ngang” bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhưng xử lý vấn đề này không thể “bình thản” như trước được nữa, vì quá trình hội nhập toàn cầu đã rất sôi động, nhiều ngân hàng ngoại đổ bộ vào Việt Nam, nếu hệ thống ngân hàng không vững mạnh sẽ khó lòng cạnh tranh, chưa kể tới việc thu hút nhà đầu tư, mua bán cổ phần. Do đó, minh bạch, công khai, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn pháp luật là điều kiện tiên quyết để sở hữu chéo các TCTD tuy vẫn tồn tại nhưng là “tồn tại an toàn” trong hệ thống tài chính nước ta.

Theo Bình Nam ( Báo Hải Quan)
Liên tiếp các chuyến tàu cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đầu năm 2025

Liên tiếp các chuyến tàu cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đầu năm 2025

Điểm đến hấp dẫn 11:19

Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy đóng góp quan trọng của du lịch tàu biển trong cơ cấu phát triển ngành du lịch Quảng Ninh.

Dân văn phòng tất bật sắm Tết và tranh thủ săn thưởng mỗi ngày cùng Trà Xanh Không Độ

Dân văn phòng tất bật sắm Tết và tranh thủ săn thưởng mỗi ngày cùng Trà Xanh Không Độ

Tiêu dùng 11:18

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, Khánh Vân (NVVP) đi xem quà Tết vì buổi tối thường tan làm lúc 20h, cô khó có thể mua sắm thoải mái, kịp giờ cửa hàng mở cửa.

Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 27,5 ngàn tỉ, tăng 20,3% so với cùng kỳ

Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 27,5 ngàn tỉ, tăng 20,3% so với cùng kỳ

Ngân hàng 11:18

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với kết quả khả quan, nhiều chỉ số dẫn đầu hệ thống, đạt mức kỷ lục.

Công ty CP Phân bón Bình Điền: Chung sức nông dân ra đồng, chung lòng gìn giữ thanh âm dân tộc

Công ty CP Phân bón Bình Điền: Chung sức nông dân ra đồng, chung lòng gìn giữ thanh âm dân tộc

Sản xuất - Kinh doanh 11:17

Bông Lúa Vàng 2024 chính thức tìm ra quán quân, đánh dấu 31 năm Phân bón Bình Điền đồng hành chắp cánh tài năng Cải lương - món ăn tinh thần của người nông dân.

Hiểu lầm mà hầu hết người cao tuổi gặp phải khi có vấn đề về rối loạn bài tiết

Hiểu lầm mà hầu hết người cao tuổi gặp phải khi có vấn đề về rối loạn bài tiết

Thị trường 11:00

Vì hiểu lầm hoặc e ngại, không ít người gặp vấn đề rối loạn bài tiết đã lựa chọn sai sản phẩm thấm hút gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

Đừng để bẫy trực tuyến đánh lừa nhà bán hàng dịp Tết!

Đừng để bẫy trực tuyến đánh lừa nhà bán hàng dịp Tết!

Thị trường 10:00

Cận Tết là dịp các đối tượng lừa đảo hoạt động mạnh trên không gian mạng, không chừa nhóm đối tượng nào, trong đó có các nhà bán hàng.

“Chiến lược” sắm Tết thông minh

“Chiến lược” sắm Tết thông minh

Thị trường 09:34

Những ngày giáp Tết bộn bề và tiền nong rủng rỉnh do thưởng, lương tháng 13 rất dễ khiến người tiêu dùng tiêu hoang.