Năm ngoái, tại một bữa tiệc tối tại Kuala Lumpur, anh bạn đối tác phụ trách tiếp thị của một tập đoàn xi măng lớn ở Malaysia nói rằng anh rất thích không khí nhậu vui vẻ ở Sài Gòn với thứ “ngôn ngữ đặc sản”: “1, 2, 3... dzô!”. Các bạn Malaysia cũng khen bia ở Việt Nam rẻ quá (ở Malaysia đắt hơn gần 4 lần!).
Nhưng họ cũng than phiền là dân Việt “nhậu” ghê quá! Giữa trưa, trong giờ làm việc mà các quán nhậu vẫn đầy đặc các “đệ tử lưu linh” trông đúng dáng công chức!
Chuyên trang Thrillist của Mỹ đã xếp Việt Nam đứng đầu tốp 5 nước trên thế giới có giá bia rẻ nhất, lần lượt là: Việt Nam, Campuchia, Ukraine, Philippines và Ethiopia.
Khoảng 20 năm trước, một người Việt tiêu thụ trung bình 2,5 lít bia/năm nhưng nay đã tăng lên 32 lít/năm, gấp 13 lần. Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2013, Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương 3 tỉ USD.
Điều đáng nói là năm 2013, “anh nông dân hai lúa” Việt Nam xuất khẩu được 6,61 triệu tấn gạo, trị giá 2,95 tỉ USD thì cả nước lại “nướng” vào bia đúng 3 tỉ USD!
Câu chuyện tương tự đối với thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có số người hút thuốc lá lớn nhất thế giới: gần một nửa nam giới hút thuốc lá; 65% trong đó ở độ tuổi 25-45.
Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết ở những nước có chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả, thuốc lá bị đánh thuế từ 65-80%. Trong khi đó, mức thuế cao nhất đối với thuốc lá ở Việt Nam chỉ là 45%.
Khỏi cần phải nói đến những tác hại do rượu, bia, thuốc lá gây ra. Vấn đề là làm sao giải quyết vấn nạn này. Cách đây gần 15 năm, bản thân người viết cũng là một “đệ tử lưu linh”, lại còn hút đến 2 gói Marlboro/ngày, xin đề xuất một số ý kiến:
Thứ nhất, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng này, càng cao càng tốt và càng sớm càng tốt.
Năm 2002, nhờ tăng thuế đối với thuốc lá, số người hút thuốc tại Nhật Bản giảm khoảng một phần ba. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại nước này, nếu tăng giá mỗi gói thuốc lên 500 yen thì sẽ có 42% số người hút thuốc sẵn sàng từ bỏ thói quen này.
Thứ hai, cần quản lý nghiêm ngặt việc bán rượu bia, thuốc lá.
Nhớ một lần sang Úc, tôi và người cậu ghé vào một quán ăn Việt Nam, tính gọi rượu thì không có, vì quán không có giấy phép bán rượu. Tôi hỏi ông chủ vì sao không xin phép bán rượu, ông bảo điều kiện rất ngặt nghèo, bên cạnh đó, các khoản phí, thuế cũng rất cao. Ở các nước tiên tiến khác, họ tuân thủ rất chặt chẽ các quy định cấm bán rượu, bia, thuốc lá cho trẻ vị thành niên.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ai cũng có thể mua được thuốc lá, bia rượu ở bất cứ đâu. Một lần ghé vào một câu lạc bộ bia mới mở khá nổi tiếng ở Sài Gòn, tôi chứng kiến bàn bên cạnh có sáu cô bé tuổi chừng 16-18 đặt riêng một bàn sinh nhật. Cả buổi, các cô uống bia với lượng không kém bất cứ một tay nhậu đàn ông thứ thiệt nào. Nhìn mà rùng mình cho thế hệ trẻ!
Thứ ba, cần tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội về việc giảm rượu bia và từ bỏ thuốc lá!
Xin kể câu chuyện ở công ty chúng tôi, các nhà máy đều cấm hút thuốc lá tại vị trí làm việc. Bất cứ ai hút thuốc phải ra một khu vực riêng. Chính vì vậy, năng suất lao động và thu nhập của công nhân nghiện thuốc lá thường thấp hơn 15-20% so với người không hút thuốc. Sau hai năm áp dụng, số lượng công nhân hút thuốc lá giảm gần một nửa.
Thiết nghĩ, nếu tổ chức nào cũng ý thức giảm thiểu hút thuốc lá thì dần dần chúng ta sẽ tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh hơn.
*Tác giả hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Vật liệu xây dựng Secoin