Ghi nhận của phóng viên, thời điểm này, thị trường tài chính tiêu dùng đang đối mặt với sự "khủng hoảng", nhất là phân khúc cho vay tiêu dùng của công ty tài chính và các fintech cho vay trực tuyến.
Bị "đánh đồng" tín dụng đen, thu hẹp hoạt động
Cựu nhân viên một công ty fintech (trụ sở ở TP HCM) cho biết chị vừa nghỉ việc khi công ty thu hẹp quy mô hoạt động, ngừng giải ngân cho vay tiêu dùng mới trên website và chỉ tập trung vào thu hồi nợ cũ, xử lý nợ xấu. "Nhưng bức tranh cũng rất khó khăn vì khách hàng không có thiện chí trả nợ, nhiều nhân viên thu hồi nợ còn bị "hăm dọa" lại khi gọi điện thông báo khoản nợ đến hạn. Không ít nhân viên công ty tài chính, fintech bỏ việc…" - cựu nhân viên này kể.
Đại diện một số công ty tài chính khác cho biết hoạt động cắt giảm nhân sự, cắt giảm thu nhập cũng đang diễn ra trên diện rộng. Thực tế vừa qua, chỉ trong thời gian ngắn, công an các địa phương đã xóa sổ hàng chục app (ứng dụng) cho vay được cho là tín dụng đen với lãi suất cao, đòi nợ khủng bố.
Đại diện một số công ty tài chính khác cho biết hoạt động cắt giảm nhân sự, cắt giảm thu nhập cũng đang diễn ra trên diện rộng
Công an TP HCM đã nhiều lần cảnh báo những thủ đoạn tinh vi của tín dụng đang núp bóng cho vay tiền qua app với những lời quảng cáo như: không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập, giải ngân nhanh chóng… trong khi lại nhập nhèm về lãi suất và các loại phí hoặc người vay phải đồng ý để các ứng dụng này truy cập danh bạ điện thoại, thu thập thông tin cá nhân mới được giải ngân. Ở chiều ngược lại, các công ty fintech cho vay chân chính bị vạ lây, bị hiểu lầm là tín dụng đen… vì thiếu khung pháp lý.
Vì chưa có quy định rõ ràng nên ngay cả một số công ty hoạt động cho vay có đăng ký kinh doanh cũng bị cơ quan công an kiểm tra, tác động tiêu cực tới hình ảnh của doanh nghiệp, thậm chí bị hiểu lầm là tín dụng đen. Hoạt động thu hồi nợ của doanh nghiệp cho vay nghiêm túc gặp khó khi khách hàng không chịu trả nợ; thậm chí các công ty fintech không có sự bảo vệ nào trước những đối tượng lừa đảo, bùng tiền khi vay qua app.
Cần lối đi rõ ràng cho các công ty fintech tài chính tiêu dùng
Báo cáo về thị trường tài chính tiêu dùng của Fiingroup cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam bao gồm cả kênh tín dụng chính thức và phi chính thức. Trong đó, tài chính tiêu dùng phi chính thức hoạt động theo các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 gồm dịch vụ cầm đồ, P2P Lending, các app cho vay trực tuyến, công ty fintech cung cấp dịch vụ BNPL - tiêu dùng trước trả tiền sau, công ty cho vay trong ngày (payday loan)…
Số lượng công ty fintech tham gia vào nhiều mảng, lĩnh vực ở thị trường Việt Nam tăng nhanh từ con số chỉ 40 vào cuối năm 2016 lên khoảng 200 công ty tính đến giữa năm 2022 (số liệu của Ngân hàng Nhà nước). Trong đó, hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng có khoảng 100 công ty với nhiều đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài. Có điều, một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending, gồm đơn vị cho vay, nhà đầu tư góp vốn và người vay, đang thiếu ràng buộc về mặt pháp lý, chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm.
Thống kê sơ bộ từ một số công ty fintech, hàng triệu người có nhu cầu vay vốn nhưng chưa tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức từ ngân hàng, công ty tài chính vì không đủ chuẩn. Họ thường tìm đến các công ty fintech, P2P Lending và cả tín dụng đen để vay. Nếu không có khung pháp lý đối với hoạt động cho vay trực tuyến thì rất khó để khách hàng phân biệt đâu là doanh nghiệp được cấp phép và đâu là tín dụng đen núp bóng.
Một chuyên gia tài chính phân tích, khi các công ty cho vay trực tuyến, fintech cho vay online hợp pháp thu hẹp hoặc rời bỏ thị trường, sự "ra đi" của những công ty này có thể tạo ra một khoảng trống trên thị trường, khiến khách hàng bị hạn chế về lựa chọn tài chính. "Khoảng trống này có thể bị khai thác bởi những người cho vay bất hợp pháp, tín dụng đen, đưa ra các khoản vay với lãi suất "cắt cổ" và các hành vi trục lợi. Khi đó, thị trường tiếp tục "đau đầu" với tín dụng đen" - chuyên gia tài chính này nói.
Ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới hướng đến mục tiêu tài chính toàn diện. Tỉ lệ dư nợ tín dụng tiêu dùng/GDP của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 27,17% (số liệu đến năm 2022), thấp so với các quốc gia trong khu vực.
Theo các fintech, mô hình sandbox cho vay trực tuyến có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghệ tài chính và đổi mới trong lĩnh vực cho vay trực tuyến ở Việt Nam
Theo chuyên gia của Fiingroup, để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, cần ban hành quy định cụ thể về trần lãi suất cho vay và các loại phí dịch vụ kèm theo của loại hình tổ chức tín dụng phi chính thức, chứ không chỉ là trần lãi suất cho vay như quy định hiện tại trong Bộ Luật Dân sự 2015.
"Cân nhắc đưa dịch vụ đòi nợ thuê trở lại thành hoạt động kinh doanh có điều kiện, hợp pháp để hỗ trợ cho hoạt động tài chính tiêu dùng, hoạt động mua bán nợ vay tiêu dùng; và có cơ sở để xây dựng khuôn khổ pháp lý kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, xây dựng khung pháp lý đầy đủ, chi tiết cho hoạt động thu hồi nợ đối với các hoạt động tài chính tiêu dùng chính thức và phi chính thức, cũng như của các công ty mua bán nợ, các công ty dịch vụ đòi nợ thuê (nếu được cho hoạt động trở lại). Đặc biệt là công khai các hình thức đòi nợ hợp pháp, các hành vi đòi nợ bị cấm và chế tài xử phạt nặng nếu vi phạm" - chuyên gia của Fiingroup góp ý.