Lãnh đạo HDBank cho biết việc sáp nhập DaiABank sẽ hoàn tất trong năm 2013 và công bố thương hiệu mới vào đầu năm 2014. Sau sáp nhập, HDBank mới sẽ có vốn điều lệ 8.100 tỉ đồng, tổng tài sản trên 85.000 tỉ đồng và mạng lưới hoạt động gồm 210 điểm giao dịch, cùng hơn 4.000 CB-CNV.
Trao đổi với báo giới, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank, cho biết: Tiến độ DaiABank sáp nhập vào HDBank cơ bản đã hoàn thành, hiện chỉ còn một số yếu tố liên quan đến pháp lý sẽ hoàn tất trong năm 2013. HDBank tiếp nhận toàn bộ CB-CNV của DaiABank. Tuy nhiên, HDBank sẽ tiến hành cải tổ bộ máy, sắp xếp lại nhân sự sao cho hợp lý. Tại đại cổ đông sắp tới sẽ bầu chọn lãnh đạo cao cấp của HDBank sau sáp nhập.
HDBank sau khi sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 8.100 tỉ đồng
Về cách thức sáp nhập, bà Tâm cho biết cổ phiếu DaiABank được chuyển đổi thành cổ phiếu HDBank theo tỉ lệ 1:1. Toàn bộ khách hàng của DaiABank sẽ trở thành khách hàng của HDBank và vẫn được bảo đảm mọi quyền lợi như trước.
Theo ông Chu Việt Cường, Chủ tịch HĐQT DaiABank, tại thời điểm này, 65 điểm giao dịch của DaiABank trên toàn quốc vẫn hoạt động để phục vụ nhu cầu giao dịch của khách hàng. Sau đó, mọi chứng từ giao dịch, sổ tiết kiệm, địa điểm giao dịch… mang tên DaiABank sẽ chuyển đổi dần sang tên HDBank.
Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank, cho biết thêm: Nếu trên một địa bàn đều có chi nhánh của HDBank và DaiABank thì sau sáp nhập nhập, chi nhánh của DaiABank sẽ được chuyển đến địa bàn khác và trụ sở của chi nhánh này sẽ trở thành phòng giao dịch nhằm tạo điều kiện giao dịch thuận lợi cho khách hàng.
Bà Tâm bác bỏ thông tin HDBank bán 30% vốn cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản. Theo bà Tâm, việc tìm kiếm các đối tác chiến lược nước ngoài đã nằm trong kế hoạch của HDBank từ trước khi sáp nhập DaiABank. “Sau sáp nhập, HDBank sẽ tiếp tìm kiếm các đối tác chiến lược không chỉ ở Nhật Bản mà còn bao gồm các đối tác đến từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, tỉ lệ bán cổ phần là bao nhiêu còn tùy thuộc vào đối tác nước ngoài và thỏa thuận của hai bên” - bà Tâm nói.
Về việc xử lý nợ xấu của DaiABank, bà Tâm cho biết: Nợ xấu của DaiABank không có vấn đề nghiêm trọng. Sau khi sáp nhập, nợ xấu của cả hai ngân hàng sẽ được đánh giá và đưa ra biện pháp xử lý thích hợp, bao gồm cả việc bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản (VAMC).
Trước đó, ngày 18-11, Ngân hàng Nhà nước có quyết định chấp thuận việc sáp nhập DaiABank và HDBank. Cùng với việc ban hành quyết định này, Ngân hàng Nhà nước cũng thu hồi các giấy phép hoạt động đã cấp trước đây cho DaiABank.
DaiABank sẽ xóa tên khỏi sổ đăng ký kinh doanh sau ngày 20-12 để sáp nhập với HDBank.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu DaiABank phải hoàn trả giấy phép hoạt động, giấy phép thành lập; xóa tên Ngân hàng Đại Á trong sổ đăng ký doanh nghiệp; bố cáo sáp nhập, bố cáo chấm dứt hoạt động và việc giải quyết các quyền, nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật trong vòng 15 ngày sau khi quyết định trên có hiệu lực (20-12).
DaiABank là ngân hàng CP đầu tiên hoạt động tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 30-7-1993. Từ khi thành lập, DaiABank chỉ với 1 tỉ đồng vốn điều lệ, đến nay số vốn đã tăng lên 3.100 tỉ đồng và có 65 điểm giao dịch trên cả nước.
Còn SGVF có vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Sau khi được HDBank mua, SGVF sẽ mang tên là Công ty tài chính Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM với tên giao dịch là HDFinance, hoạt động chủ yếu là huy động vốn, cho vay và các dịch vụ tài chính khác. |