Chợ Ninh Hiệp nhiều năm nay có tiếng là chợ đầu mối trung chuyển quần áo, vải vóc Trung Quốc lớn nhất miền Bắc, với tên gọi “đại siêu thị may mặc Trung Quốc” ở thủ đô. Tuy nhiên, những ngày này, chợ rất vắng vẻ.
Trước đây vài tháng, mọi con ngõ dẫn tới trung tâm chợ Ninh Hiệp đều chật như nêm. Cảnh buôn bán diễn ra náo nhiệt. Nhưng hiện tại, ngay cả ngày cuối tuần, khu chợ lèo tèo khách qua lại. Trẻ con vô tư chạy trong ngõ chợ thênh thang. Các chủ sạp ế hàng rủ nhau ngồi buôn đủ chuyện.
Chị Hạnh, chủ một sạp hàng trong chợ cho hay: “Trước khách đông lắm, vừa bán vừa la vẫn đắt hàng. Vậy mà giờ cả ngày chỉ có vài lượt khách lèo tèo, lật lên lật xuống xem chán chê rồi lại đi. Thật ra bình thường lượng khách tới mua sỉ, mua lẻ quần áo mùa hè cũng ít hơn mùa đông nhưng chưa bao giờ vắng khách vậy”.
Khu chợ quần áo đã vậy, bước vào khu vực bán vải còn vắng hơn. Các chủ sạp tụ lại chuyện trò rôm rả để quên đi nỗi buồn ế hàng. “Chắc chỉ có lũ trẻ con là vui vì chả mấy khi chợ vắng, chúng được tự do chạy nhảy như vậy. Dân mình yêu nước là đúng rồi nhưng tẩy chay thế này thì chúng em chết. Mà dân Ninh Hiệp có phải chỉ bán hàng Trung Quốc thôi đâu, vải Lào, Thái, Nhật, Hàn nhiều chứ!” - chị Lan, chủ hàng vải cho biết.
Chợ vắng, sợ hàng tồn, nhiều chủ hàng quyết định giảm giá “kịch liệt” để thu hút khách quay trở lại. Hàng Trung Quốc vì thế đã rẻ nay còn rẻ hơn. Quần áo đủ thể loại mẫu mã khá bắt mắt trước được rao bán cả trăm ngàn, nay giảm giá chỉ còn một nửa. Nhiều mặt hàng từ trước tới nay vốn hút khách như quần áo trẻ em, hàng fake (hàng nhái) các nhãn hiệu như Zara, HM, Asos… cũng tưng bừng giảm giá. Một số mẫu quần áo chất lượng đẹp được các chủ hiệu khoét mác Tàu thay bằng mác “Made in Vietnam” rồi đổ buôn giá rẻ cho các chủ hiệu thời trang tại Hà Nội và các tỉnh.
Dự đoán trước việc chuyển mánh bán hàng không phải là phương kế lâu dài, những dân buôn Ninh Hiệp thức thời đã chuyển hướng kinh doanh. Nhiều hộ buôn lớn quyết định dừng việc đánh hàng Quảng Châu về, tự mở xưởng may gia công quần áo theo các mẫu thiết kế thời thượng đang được giới công sở, giới trẻ yêu thích.
Chị Hải, chủ một hiệu quần áo công sở đang giám sát thợ làm biển quảng cáo “Made in Việt Nam”, chia sẻ: “Hàng nhà tôi là hàng Việt Nam chính gốc do xưởng may của nhà sản xuất theo thiết kế. Chất lượng quần áo váy vóc được chọn lọc kỹ càng từ khâu nhập vải đến từng đường kim mũi chỉ và phụ liệu như cúc, khóa… Tuyệt đối không phải hàng Trung Quốc”.
Cả một dải đường dẫn vào chợ Ninh Hiệp có tới gần 20 cửa hàng trưng biển quần áo “Made in Việt Nam” mới toanh. Qua tìm hiểu từ các chủ hàng, phần lớn những cửa hàng này đều có xưởng may gia công riêng hoặc là hàng nhập lại của các xưởng may, nhãn hiệu thời trang Việt Nam. Sợ khách hàng không tin, nhiều chủ hiệu còn cam kết cho khách lấy buôn tham quan xưởng may gia đình để chứng minh không bán hàng Trung Quốc.
Xưởng may nhà anh Cường, chị Hạnh dù mới hoạt động được hơn một năm nay nhưng khá đắt khách, chủ yếu là khách lấy buôn. Trung bình mỗi ngày chị Hạnh xuất đi khoảng hơn chục mối lấy buôn quần áo tại Hà Nội và các tỉnh. Chị tâm sự ngày xưa nhà anh chị cũng thường xuyên đánh buôn hàng Quảng Châu nhưng càng ngày xu hướng khách nhập hàng, mua hàng càng hướng nội nên anh chị chuyển hướng kinh doanh, mở xưởng may gia công chuyên hàng jeans và công sở.
“Vợ chồng tôi tranh thủ các mối nhập quen từ trước, giới thiệu mẫu hàng của nhà cho khách. Hàng của nhà, mình kiểm soát được chất lượng tốt hơn, mẫu mã lại không thua kém gì hàng Trung Quốc nên khách mua sỉ mua lẻ đều yên tâm” - chị nói. Chị Hạnh cũng chia sẻ chuyển hướng kinh doanh tuy vất vả hơn nhưng lợi nhuận lớn hơn và anh chị cũng chủ động việc buôn bán.
Đường vào Ninh Hiệp tạm thời như thênh thang hơn do lượng khách tới mua bán giảm đáng kể. Tuy nhiên, anh Cường, chồng chị Hạnh, khẳng định đầy tự tin: “Chợ vắng rồi chợ lại đông. Dân Ninh Hiệp giỏi đi buôn nhưng dân Ninh Hiệp cũng giỏi sản xuất. Không có hàng Trung Quốc, người Ninh Hiệp vẫn sống tốt, vẫn làm giàu được!”