Anh Tuấn, nhân viên một công ty bảo hiểm tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết sau một lần vào TP HCM công tác, thấy mô hình kinh doanh quầy cơm bụi kiểu take-away (mang đi) mới mẻ nên học hỏi để triển khai tại Hà Nội. Cũng như cà phê bán theo dạng này, với cơm, khách hàng không có chỗ ngồi ăn mà mua mang đi hoặc được giao tận nơi.
Cách đây 2 tháng, anh Tuấn khai trương quầy hàng đầu tiên ở khu vực Mỹ Đình. Hơn tháng sau, anh mở quầy tiếp theo tại Trung Hòa, Cầu Giấy. "Địa điểm kinh doanh mình chọn thường là những nơi nhiều tòa nhà văn phòng. Buổi trưa nhân viên có thể mua rồi mang lên cơ quan để ăn"- anh Tuấn cho biết.
Trước đó vào cuối năm 2012, trào lưu kinh doanh các quầy cà phê take-away đã nở rộ ở Hà Nội và thu hút đông đảo giới trẻ, dân văn phòng. Hình thức này chủ yếu dành cho những người trẻ hiện đại muốn thưởng thức nhưng không có nhiều thời gian. Những cốc cà phê được pha chế nhanh chóng, khách hàng chỉ cần chờ trong vài phút, có thể mang đi trong những lúc bận rộn. Dựa trên mô hình này, nhiều người sáng tạo thêm các mặt hàng, sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Với mô hình mới, anh Tuấn cho biết cơm được nấu tại nhà, sau đó ủ nóng và chuyển đến các điểm bán hàng trước giờ ăn trưa. Thực đơn hàng ngày gồm đùi gà sốt nấm, ức gà chiên xù, tôm rang thịt ba chỉ, cá kho tộ... kèm rau được đựng vào hộp xốp và canh trong cốc nhựa. Mỗi suất cơm được bán với giá 25.000 đồng. Mỗi ngày, một quầy hàng của anh Tuấn trung bình bán được khoảng 40-50 hộp cơm.
Mỗi ngày 2 tiếng, anh Tuấn thuê sinh viên đứng bán hàng với mức lương 50.000 đồng, tương đương một triệu đồng mỗi tháng (nghỉ thứ 7 và chủ nhật). Mỗi quầy, anh thuê 2 nhân viên. Tổng cộng mỗi tháng anh chi khoảng 4 triệu đồng thuê người bán hàng và trả cho người nhà làm bếp.
Anh Công, một nhân viên văn phòng cũng mới mở tiệm cơm take-away nhưng lại xác định phân khúc chủ yếu của mình là sinh viên. Do đó, quầy hàng của anh được mở gần một trường đại học. "Giá bán mỗi suất cơm tôi cũng tính toán sao cho cạnh tranh với những cửa hàng cơm bình dân gần đó, tầm 16.000 đến 20.000 đồng" - anh Công nói.
Cửa hàng mở được 2 tháng nay và mỗi ngày trung bình bán khoảng 50-60 suất. Anh Công cho biết thời gian tới, vào năm học, số lượng khách có thể đông hơn. Nếu kinh doanh thuận lợi, anh sẽ mở thêm điểm bán hàng nữa gần một trường đại học khác.
Ưu điểm lớn nhất của loại hình kinh doanh này theo anh Công là tiết giảm được chi phí thuê mặt bằng và đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Do đó, vốn khởi nghiệp của anh chỉ hơn 10 triệu đồng để mua vật dụng nấu nướng, quầy hàng, in đồng phục cho nhân viên... Ngoài bán tại quầy, các quán cơm take-away ưu tiên đặt hàng qua điện thoại và giao tận nơi cho khách.
Bên cạnh những quầy cơm take-away của các cá nhân, nhiều nhà hàng tại Hà Nội cũng mang đồ ra vỉa hè bán. Chuyên kinh doanh đồ Nhật giá bình dân, gần đây một quán ăn tại quận Ba Đình triển khai thêm các món chế biến nhanh, đơn giản, dễ mang theo, giá thành rẻ (từ 30.000-50.000 đồng một suất), phù hợp với giới trẻ. "Hoạt động này vừa nhằm tăng doanh số, vừa giúp cửa hàng đẩy mạnh quảng cáo" - chủ cửa hàng cho hay.