Dow Jones 30 công nghiệp đã vượt 27.000 điểm và S&P 500 vượt 3.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Đà leo dốc này bắt đầu từ tháng 3-2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính nợ dưới chuẩn từ thị trường địa ốc của Mỹ. Thời điểm đó Dow Jones ở mức thấp nhất là 6.440 điểm, còn S&P 500 dưới mốc 1.000 điểm hiện sau hơn 10 năm cả 2 chỉ số này tăng xấp xỉ 4 lần và gấp đôi đỉnh của 10 năm trước.
Chứng khoán Mỹ vừa lập kỷ lục vượt đỉnh cao nhất trong lịch sử.
Nhưng chứng khoán Việt Nam không được may mắn như vậy khi VN-Index chỉ hơn đỉnh 10 năm trước một chút (nhưng điều này đã diễn ra hơn 1 năm rồi) và HNX-Index thậm chí chỉ kịp quay về mo (100 điểm) mức khởi đầu của HNX từ 14 năm trước (2005) và thậm chí chỉ hơn 1/5 một chút so với mức đỉnh của chỉ số này từ 2007 (đạt 460 điểm).
Đà tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng từ 6-2009 đến nay cũng hơn 10 năm và chưa hề dừng lại đánh dấu chuỗi tăng trưởng quá dài trong lịch sử nước Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp ở mốc thấp nhất từ năm 1969 đến nay cho thấy điều này. Lạm phát mục tiêu ở mức 2% liên tục thời gian dài. "Mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đã từng rất mạnh tại thời điểm 50 năm trước… và giờ thì không còn nữa" - chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã nói trong buổi điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ hôm thứ năm 11-7.
Ông nói thêm: "Ít nhất 20 năm về trước, giai đoạn tương quan mạnh đã chấm dứt và mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát dần yếu đi. Và nó trở nên yếu đi theo năm tháng". Điều này cho thấy FED có dư địa để hạ lãi suất mà không quá lo lắng về lạm phát.
Tuy nhiên, điều này có lẽ chỉ làm NĐT nhỏ hào hứng, NĐT lớn có vẻ không thoải mái trước điều này. Logic về thất nghiệp và lạm phát theo chủ tịch FED đã không còn đứng vững nhưng điều dễ sợ hơn là một luật quan trọng của logic tài chính đó là "nếu bạn cho vay tiền lâu hơn, bạn sẽ nhận lợi nhuận cao hơn cũng đã bị phá vỡ". Lợi suất trái phiếu dài hạn trên toàn thế giới của nhiều ngân hàng đã giảm xuống dưới mức lãi suất qua đêm của các ngân hàng trung ương. Giá trị thời gian của tiền về cơ bản đã bị lung lay dữ dội.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) Đức kỳ hạn 10 năm (chỉ số tham chiếu quan trọng cho trái phiếu châu Âu) cũng được nhiều NĐT xem là kênh trú ẩn an toàn đã giảm xuống -0,398% (mức LS âm). Lợi suất TPCP Pháp kỳ hạn 10 năm giảm xuống -0,12%, TPCP Bỉ kỳ hạn 10 năm rơi xuống dưới mức 0 lần đầu tiên trong lịch sử và TPCP Ý kỳ hạn 10 năm rơi xuống mức 1,67%, thấp nhất trong 14 tháng. Đặc biệt, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm mạnh về mốc 1,86% và đã liên tục đứng dưới mốc 2% nhiều tuần (mức dưới 2% được xem là dấu hiệu cảnh báo cho sự suy thoái có thể xảy ra trong 6-18 tháng tiếp đó).
Giá vàng đã tăng vọt gần như ngay lập tức khi chủ tịch FED để ngỏ khả năng hạ lãi suất và dù có giảm nhẹ vào cuối phiên hôm qua (12-7) nhưng vẫn đứng vững trên mốc 1.400 USD/ounce (đã tăng 7 tuần và 3 quý liên tiếp, một trong những chuỗi tăng giá dài nhất lịch sử). Điều này cho thấy lực mua rất mạnh từ những dòng tiền lớn đã đẩy giá trái phiếu lên cao khiến lợi suất giảm xuống mạnh như vậy. Vì TPCP không dành cho đối tượng NĐT nhỏ lẻ.
Tại Việt Nam, TPCP cũng có lãi suất ngày càng hạ mà vẫn hút hàng trong khi trái phiếu doanh nghiệp lãi suất ngày càng tăng nhưng rất khó tìm được người mua cũng cho thấy xu thế này.
Về vàng, số liệu của WGC (Hội đồng vàng thế giới) cũng cho thấy các ngân hàng trung uio7ng đua nhau mua vào từ năm ngoái 2018 và mua mạnh nhất 6 năm trong quý I/2019 (chưa có số liệu quý II). Thậm chí có quốc gia hầu như tránh xa vàng là Ecuador cũng đã mua vào. Đặc biệt hơn các định chế tài chính lớn cũng liên tục mua vào từ 2019 như Quỹ ETFs lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust đã mua vào 26 tấn vàng trong vài ngày trước.
Như vậy, về dài hạn những yếu tố trên sẽ đe dọa sự tăng trưởng bền vững của TTCK. Đà tăng này cũng đã có biểu hiện hụt hơi khi Dow Jones 30 đạt 26.000 điểm tháng 1-2018 nhưng phải mất tới hơn 1 năm rưỡi để có thể đi được thêm 1.000 điểm nữa. Bên cạnh đó một chu kỳ kinh tế và của thị trường tài chính thường phải có tăng giảm, việc TTCK và kinh tế Mỹ có chuỗi tăng giá dài nhất lịch sử như thế không làm cho những NĐT lớn vui mừng mà họ hoảng sợ nhiều hơn. Vì không có gì trên thế giới này có thể tăng mãi mãi được và một khi lên đỉnh thì bạn phải cần phải đi xuống. Đó là điều mà họ lo sợ vì đứng ở một nơi quá cao suốt một thời gian dài thì rất dễ bệnh mà ở bệnh quá lâu sẽ trầm trọng hơn thì khó có thuốc nào chữa nổi.