Những suy tư và trằn trọc của các nhà đầu tư về tìm chọn một kênh đầu tư nào vào thời điểm này dường như đang có câu trả lời.
Tín hiệu đầu tiên về chính sách cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu từ đầu tháng 12/2011. Đó cũng là khoảng thời gian mà chứng khoán vẫn bị đa số giới phân tích và giới đầu tư xem là một kênh bỏ vốn cực kỳ rủi ro. Khi đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 2196 về tăng cường quản lý thị trường bất động sản, như một “xương sống” cho khả năng phục hồi của thị trường này. Chứng khoán vì thế càng bị rẻ rúng.
Đúng 3 tháng sau, Chính phủ lại ban hành Chỉ thị 08 về thúc đẩy và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán. Đây là văn bản đã được giới đầu tư chứng khoán chờ đợi trong năm 2011 nhưng không xuất hiện. Chỉ thị 08 về thị trường chứng khoán nhìn khái quát giống với một khung pháp lý siết hơn là mở.
Đa phần nội dung đề cập đến sự cần thiết và cơ chế chấn chỉnh lại hoạt động của các công ty, sở giao dịch chứng khoán, quản lý và kiểm soát dòng vốn vào ra thị trường. Những nội dung này đã hoàn toàn không khác với những kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán đề nghị với Bộ Tài chính từ quý 4/2011.
Nội dung đáng lưu tâm nhất của Chỉ thị 08 lại tương đồng với nội dung Chỉ thị 2196: Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm dần lãi suất về mức phù hợp để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán phát triển.
Trong tháng 12/2011, bất chấp sự xuất hiện của Chỉ thị 2196 và một hội nghị lớn do Bộ Xây dựng chủ trì liên quan đến việc triển khai chỉ thị này, thị trường bất động sản từ Bắc vào Nam vẫn im ắng. Vào hai tháng đầu năm 2012, thậm chí khu vực bất động sản Hà Nội còn chấp chới tiếng kêu than của các nhà đầu tư thứ cấp khi ngay cả đất thổ cư, sau đất dự án, đã tái diễn sóng lao dốc, trong đó khu vực Đông Anh chỉ là một minh họa.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán vẫn từ từ nhích lên trong mối nghi hoặc. Cũng vào thời gian này, một “chính sách” đã xuất hiện. Đó là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về “vàng sẽ là kênh đầu tư rủi ro rất cao”. Sau nhận định này vào ngày đầu năm 2012, giá vàng trong nước bỗng dưng tiệm cận dần với giá thế giới.
Hiện tượng đáng chú ý là nếu vào tháng 12/2011, khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn còn duy trì thường xuyên ở mức 2,5 - 3 triệu đồng/lượng, thì trong hai tháng qua, chênh lệch này đã được rút ngắn chỉ còn 0,8 - 1,2 triệu đồng/lượng.
Nếu đã loại trừ được đối thủ bất động sản, chứng khoán cũng không phải quá lo nghĩ về kênh đầu tư vàng - một “thủ phạm” đã gián tiếp khiến cho thị trường chứng khoán lao dốc trong nguyên năm 2011.
Những ngày gần đây, khung cảnh mua bán quá vắng vẻ ở nhiều tiệm vàng, kể cả tại Bảo Tín Minh Châu và SJC, đã phản ánh một thực trạng và có thể là triển vọng cho kênh đầu tư này: nhiều khả năng bị cạn kiệt về thanh khoản.
Tất cả những biểu hiện của thị trường vàng đang gần như theo đúng diễn tiến về chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Trước mắt, thời điểm tháng 5/2012 đang đến rất gần, và có thể quyết định số phận của hơn 12.000 cơ sở kinh doanh vàng. Khi đó, nhiều khả năng các cơ sở này, cùng với nhiều ngân hàng, sẽ không còn được thoải mái huy động và cho vay bằng vàng.
Cũng bởi thế, phân khúc vàng miếng càng có nguy cơ giảm sút trầm trọng về giao dịch. Đó cũng là hệ quả tất yếu của hiện tượng một bộ phận nhà đầu tư vàng đang tìm cách chuyển tiền sang khu vực chứng khoán trong những tuần qua.
Một cú nhấn hết sức tiêu cực khác đối với kênh vàng là vào đầu tháng 3/2012, giá vàng thế giới đã có một phiên lao dốc đến 100 USD/oz, tạo nên dấu hiệu rõ ràng về kênh xuống giá ít ra trong tháng 3 và tháng 4/2012.
Nếu tình hình này được phản ánh đầy đủ vào thị trường vàng Việt Nam, đồng thời giá vàng trong nước tiếp tục bị giới đầu cơ “buông”, có thể tương lai ngắn hạn 37 - 38 triệu đồng/lượng đối với giá vàng trong nước là khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh bất động sản đi ngang với thanh khoản gần như bằng không, vàng chực chờ đổ dốc, ngoại tệ lại càng không phải là kênh đầu tư có bất kỳ triển vọng nào về sóng... thị trường chứng khoán liệu có phải là sự lựa chọn của các nhà đầu tư?