Từ năm 2004, quận 9 đã cho xây nhiều chợ mới nhằm dẹp bỏ các chợ tự phát. Các khu chợ này đều rộng rãi, khang trang, sức chứa có thể lên tới vài ngàn người nhưng cũng nhanh chóng trở thành hoang phế, bỏ hoang không ai sử dụng đến.
Chợ Phú Hữu (phường Phú Hữu, quận 9) nằm trên khu đất rộng hơn 2.000 m2 với 164 sạp hàng. Sau 3 năm, giờ chợ chỉ còn hoạt động chưa tới 10 gian hàng. Các ki-ốt, quầy sạp đều bị gỉ sét, khung thép, mái tôn bị bong tróc từ lâu.
Bác Đặng Văn Toàn, một tiểu thương ở đây, cho biết: “Lúc trước chợ hoạt động được một thời gian, sau đó các tiểu thương tự ý bỏ chợ ra lề đường buôn bán. Giờ thì khách hàng tập trung ngoài kia hết rồi”.
Cách đó không xa là chợ tự phát Tân Lập (quận 2) chiếm gần hết lòng lề đường số 20 và 21 vào mỗi buổi sáng, còn buổi chiều thì di dời ra đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2). Chợ này buôn bán rất nhộn nhịp khiến chợ Phú Hữu ngày càng tàn lụi.
Chợ An Sương (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) kinh phí xây dựng gần 19 tỉ đồng khi xây xong cũng phải “trùm mền” không ai sử dụng do chợ thiếu đường kết nối với các khu vực xung quanh, một số hạng mục không đúng tiêu chuẩn nên không thuận tiện cho buôn bán.
Chị Phượng, chủ một ki-ốt tạp hóa ở chợ này, cho biết trung bình chị chỉ bán được khoảng 50.000 đồng/ngày. Chỉ chúng tôi bốn sạp đóng cửa liền kề, chị nói: “Họ cho thuê làm nơi chứa đồ hết rồi. Chủ của mấy sạp này khôn hơn tụi tôi, họ lấy sạp chợ mới cho thuê chứa hàng rồi về chợ cũ (chợ Cầu, chợ Bàu Nai)… bán tiếp”.
Tương tự, chợ Bình Hưng Hòa (phường Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú) cũng hoạt động cầm chừng với khoảng 40 tiểu thương trong tổng số 216 sạp. Tuy nhiên, các tiểu thương ở chợ chủ yếu dùng sạp để cất hàng hóa, còn việc buôn bán đều diễn ra ở ngoài đường.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương, một tiểu thương tại chợ, cho hay: “Việc xây chợ này còn rất nhiều khiếm khuyết. Diện tích các sạp quá nhỏ, chỉ khoảng chừng được 1,5m2; lối đi giữa các dãy sạp chưa đầy 1 m, trong khi theo quy định phải trên 3 m. Chợ cũng không có nhà vệ sinh, bãi để xe khiến việc buôn bán gặp khó khăn. Nhiều người buộc phải ra ngoài bán”.
Bên cạnh những khu chợ tiền tỉ bỏ hoang là các chợ tự phát lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp
Đặc biệt, chợ Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, kinh phí đầu tư 30 tỉ đồng) được xây dựng để tạo điều kiện buôn bán cho các tiểu thương di dời giải tỏa từ hai chợ An Khánh và chợ Thủ Thiêm. Với 233 quầy sạp, ki-ốt, đến nay ban quản lý chợ đã bàn giao được 196 ki-ốt. Thế nhưng chỉ mới vài chục tiểu thương vào kinh doanh trong tình trạng người bán nhiều hơn người mua.
Ở trên lầu còn thê thảm hơn, lác đác vài ba ki-ốt. Mỗi tháng tiểu thương phải đóng 320.000 đồng phí quản lý, 20.000 đồng tiền vệ sinh... Dù gần 10 giờ sáng nhưng nhiều tiểu thương còn ngủ gật, có ki-ốt ngày chỉ bán được vài chục ngàn đồng.
Một số ý kiến cho rằng các địa phương xây chợ nhưng thiếu tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng nên chợ xây xong không hút được tiểu thương vào bán mà càng làm cho chợ tự phát có cơ hội phát triển.
Chợ Tân Phú (phường Tân Phú, quận 9) được xây dựng từ năm 2004 với quy mô gần 4.000m2. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngôi chợ tiền tỉ với 340 sạp này phải chịu cảnh đìu hiu do giao thông không thuận tiện với cả người bán lẫn người mua.
Hay như chợ Long Trường nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Long Trường, quận 9) được xây dựng với kinh phí gần năm tỉ đồng, rộng khoảng 8.000m2 nhưng hiện nay nhiều sạp hàng và ki-ốt trong chợ vẫn bỏ trống.