Du khách của trang tư vấn du lịch trực tuyến uy tín thế giới Tripadvisor đa phần đánh giá khu Sim Lim Square là kinh khủng và tồi.
Sim Lim Square là một tòa nhà 6 tầng nằm ở số 1 đường Rochor Canal, chia thành nhiều cửa hàng bán các mặt hàng điện tử, được quảng cáo là trung tâm bán đồ điện tử và máy tính lớn nhất Singapore.
Một người Singapore có tên Bcheong viết trên trang này vào ngày 5-11 rằng: “Đây là chợ của những kẻ trộm cắp, nên tránh xa. Họ bán hàng giả hoặc bán những món đồ đắt gấp 2 - 3 lần so với giá thị trường.
Họ sử dụng nhiều trò gian lận, phổ biến nhất là báo với bạn giá sản phẩm bằng giá thị trường, sau khi bạn trả tiền và trước khi bạn nhận sản phẩm, họ buộc bạn phải trả thêm một khoản lớn lên tới 1.000 USD cho việc bảo hành hay bảo hiểm.
Nếu bạn từ chối chi trả sẽ không thể lấy được sản phẩm và cũng không được hoàn tiền. Tốt nhất bạn nên đến Funan, hoặc đại lý ủy quyền của các hãng ở Paragon, Wheelock Place, 313 Somerset để mua”. Cuối cùng, người này kết luận: “Sim Lim nên được đập bỏ vì nó phá hoại danh tiếng của Singapore”.
Hàng trăm lời cảnh báo của cả du khách nước ngoài và người Singapore về Sim Lim, đa phần nói khu này không có gì nguy hiểm cho tính mạng và tiền bạc của bất kỳ ai, với một điều kiện duy nhất: Đừng mua cái gì ở đây.
Có ba nơi ở Singapore du khách hạn chế mua đồ, thậm chí không nên mua. Đó là Sim Lim, khu Trung Hoa (China Town), khu tiểu Ấn Độ (Little India)
Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc một công ty du lịch ở TP HCM
Du khách tên George đến từ Perth (Úc) viết một cách hài hước, rằng bạn chỉ nên đến Sim Lim nếu bạn là người giỏi Kungfu, vì bạn sẽ cần đến võ nghệ khi cửa hàng đóng cửa nhốt bạn lại nếu bạn từ chối trả tiền. Thậm chí, nhiều người còn khuyên du khách không nên thử một lần đến Sim Lim.
Còn tờ báo nổi tiếng của Singapore là Straits Times liệt kê 5 điều khiến Sim Lim khét tiếng: Bán giá quá đắt, hăm dọa khách hàng, hàng lỗi, giá không rõ ràng và hàng lậu.
Đối với các công ty du lịch Việt Nam khi đưa khách qua Singapore, Sim Lim không nằm trong hành trình tham quan, hoặc giới thiệu để khách đến mua hàng. Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc một công ty du lịch ở TP HCM, cho rằng về tổng quan, Singapore là một điểm đến an toàn, nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Vụ một người Việt gặp phải sự cố khi mua điện thoại ở Sim Lim mới đây là một ví dụ.
Ông Lộc cho rằng có ba nơi ở Singapore du khách hạn chế mua đồ, thậm chí không nên mua. Đó là Sim Lim, khu Trung Hoa (China Town), khu tiểu Ấn Độ (Little India). Riêng khu Little India, khách chỉ có thể mua hàng ở Trung tâm mua sắm Mustafa, vì nơi này không trả giá.
Khu Sim Lim đến chơi thì được, còn mua hàng thì không nên. Bởi khu này đa phần bán hàng “trộn”, không rõ nguồn gốc, ngay cả người Singapore cũng “ngán”. “Ngoài ra, cũng đừng bao giờ giữ niềm tin là tất cả sản phẩm ở Singapore đều chất lượng tuyệt đối, hoặc người Singapore không ai lừa đảo. Cơn bão hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng đã phủ khắp các ngõ ngách trên thế giới, không chừa nơi nào” - ông Lộc khuyến cáo.
Cơn bão hàng dỏm Trung Quốc tấn công khắp nơi trên thế giới, nên du khách phải cẩn thận - Ảnh: N.T.Tâm
Cẩn thận khi mua hàng ở nước ngoài
Một doanh nghiệp lữ hành ở TP HCM cho biết du khách theo tour đi du lịch ở Singapore cũng nên lưu ý khi mua hàng ở các cửa hàng vàng bạc đá quý. Có khách mua phải đá dỏm, khi về VN tặng cho người thân mới phát hiện đá bột, chỉ cần lấy kềm bấm nhẹ đã bể ra ngay. Cách thức lừa đảo đơn giản là lợi dụng bất đồng ngôn ngữ và những mánh khóe trong tên gọi sản phẩm, giấy tờ lập lờ. Vì thế, khách không thể nào đòi bồi thường được.
Nhiều du khách chủ quan nghĩ rằng, ở những quốc gia có luật về hàng giả, hàng dỏm nghiêm ngặt thì không có hàng giả. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Nhiều sản phẩm do một vài công ty không phải ở Nhật sản xuất rồi mang vào nước này để bán cho du khách nước ngoài theo kiểu “vỏ Nhật, ruột Tàu”. Các công ty này lợi dụng tâm lý khách Việt khi đến Nhật luôn tìm mua hàng Nhật, sản xuất tại Nhật (Made in Japan) nên các công ty cung cấp hàng giả sẽ tiếp cận hướng dẫn viên để bán hàng. Khi khách muốn mua hàng, hướng dẫn viên sẽ liên lạc với người bán để giao cho khách ở trên xe hay tại khách sạn. Các sản phẩm này thường là viên dầu cá mập, tảo xoắn, viên collagen...
“Rất dễ phân biệt đâu là hàng Nhật trong lĩnh vực sức khỏe, bởi chúng có hạn sử dụng rất ngắn, thường chỉ 1 tháng và số lượng viên trong hộp rất ít để tránh bị ẩm. Các công ty Nhật cũng không phô trương hình ảnh nhà máy lên bao bì như những hộp đồ giả có thời hạn sử dụng lên 3 tháng, đựng tới 300 viên này. Điều quan trọng, trên hộp hàng thật sản xuất ở Nhật bao giờ cũng ghi rõ địa chỉ công ty, số điện thoại bàn, số fax... Còn các hộp hàng giả, họ chỉ ghi mỗi số điện thoại và không ghi địa chỉ công ty”, một doanh nhân người Nhật chỉ ra dấu hiệu nhận biết đâu là hàng giả.
Những món hàng dỏm này sản xuất ở nước ngoài, khi nhập vào Nhật sẽ được đổi bao bì, thay bằng bao bì có ghi “Made in Japan” để đánh lừa khách và được bán với giá rất cao. “Ở Nhật, quy định phải ghi thành phần sản phẩm trên bao bì rất nghiêm ngặt, nhưng hàng dỏm không ghi bất kỳ thứ gì”, vị doanh nhân nói trên giải thích. Còn các công ty du lịch khuyến cáo, du khách Việt đi du lịch ở Nhật phải cẩn thận trong mua sắm các sản phẩm sức khỏe, nếu mua phải chẳng biết cửa hàng bán sản phẩm ở đâu.
Ở Hồng Kông, hay Hàn Quốc, đều có những khu chợ bán hàng fake (hàng nhái). Đặc biệt ở Hồng Kông, chợ Quý bà (Ladies Market) nổi tiếng với các thể loại hàng fake, từ quần áo cho đến đồ điện tử. Mua hàng ở đây, khách nhất thiết phải trả giá, đôi khi trả xuống còn một nửa. Với hơn 100 gian hàng gồm quần áo, phụ kiện và đồ lưu niệm, chợ Quý bà trên đường Tung Choi kéo dài 1 km. Đến đây, bạn có thể thoải mái trả giá. Nó được gọi là chợ Quý bà vì có đầy đủ quần áo và phụ kiện dành cho phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi.