Chuột gỗ "húc tường"
Tốt nghiệp khoa Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, chàng trai 32 tuổi Đỗ Bá Huy trú tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, táo bạo thực hiện ý tưởng kết hợp hàng thủ công mỹ nghệ với máy tính thành một sản phẩm thân thiện với môi trường.
Năm 2008, Huy cầm cố mảnh đất của ông bà được 150 triệu đồng, thành lập Công ty Cổ phần KunKun chuyên sản xuất chuột, bàn phím và đế tản nhiệt máy tính. Điểm đặc biệt, tất cả các sản phẩm này đều được làm từ gỗ của cây cao su sau khi đã khai thác hết nhựa.
Thời điểm đó, ý tưởng của Huy được cho là khá liều lĩnh, bởi chuột gỗ Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường, giá chỉ mấy chục ngàn đồng/con. Với niềm tin tạo ra giá trị riêng cho sản phẩm Việt, Huy tích cực mày mò, chuẩn bị. Hai năm sau, những con chuột "Made in Việt Nam" ra đời và ngay lập tức nhận được sự quan tâm của giới công nghệ.
Sản phẩm của Huy nhanh chóng lọt vào danh sách 17 sản phẩm "Nhân tài đất Việt" năm 2011. Bản thân Huy trở thành một "nhà sáng chế” trẻ được nhiều người biết đến. Năm 2012, có tháng doanh số của KunKun lên đến hơn cả tỷ đồng. Tuy nhiên, đến đầu năm 2013, khó khăn bắt đầu ập đến.
Tài chính không đủ trang trải cho những khoản phát sinh, cộng thêm sai lầm trong việc gia công, KunKun phá sản. Nợ nần chồng chất, Huy phải cầm cố ngôi nhà đang ở để trả nợ. Lo sợ, hoang mang, khủng hoảng, Huy sụt đến cả chục ký lô trong chưa đầy một tháng.
Nhưng, ước mơ như hơi thở và máu huyết đã thôi thúc Huy đứng dậy. Huy "đóng gói ước mơ”, bỏ vào cái thùng với 88 con chuột gỗ đổi thức ăn, nước uống và chỗ ngủ nhằm tìm kiếm và định vị lại ước mơ.
"Tôi muốn đi cho thoát, muốn chứng minh dự án này không bằng cái danh cũ có phần hão, rằng dự án có lý do của nó, có hiệu quả kinh tế và xã hội rõ ràng, nếu không, tôi sẽ tự đào thải mình một cách đúng nghĩa" - Huy chia sẻ.
Xe đạp xuyên Việt, không tiền
Sau gần hai tháng chuẩn bị, một ngày cuối tháng 7/2013, gã giám đốc "khùng" với thùng chuột gỗ nặng 60kg kèm hành trang "hai không": không tiền, không mối quan hệ, xuất phát từ Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, rong ruổi khắp dải đất hình chữ S với hơn 2.700km đến điểm cuối là Nhà thờ Lớn Hà Nội, với khẩu hiệu: "Bán chuột dạo, kết nối đam mê”.
"Tôi đi tìm bản thân và ước mơ đang ngày một teo tóp. Tôi đi đào bới phương cách để "làm thế nào tạo sự khác biệt, gia tăng trong sản phẩm, thương hiệu và nhân hiệu". Các ý tưởng cho sản phẩm, lý tưởng cho khát vọng trong tôi được bồi đắp theo từng vòng quay của bánh xe, từng thành phố, từng vùng quê tôi đi qua" - Huy thổ lộ.
Nhiều người biết về hành trình, họ không tin Huy có thể đạp xe xuyên Việt, không tiền với cái thùng 60kg phía sau như thế. Sau hiểu ra, họ ngỡ ngàng: sức mạnh ấy, tâm tư ấy được hun đúc từ khát vọng thật, cháy bỏng và không tin được. Chính cái tình của biết bao người dân dọc quốc lộ đã giúp Huy đi và trở về bình an với nhiều vốn liếng, kinh nghiệm được tích lũy.
Trên những cung đường đi qua và khi trở về, Huy được truyền thông săn đón, chào mời. Nếu muốn nổi tiếng, Huy đã có thể chớp thời cơ. Nhưng Huy lại bình tĩnh tránh xa "cạm bẫy" truyền thông. "Tôi đi để tìm lại mình. Điều duy nhất tôi ngộ được sau hơn 4.000km đi và về là đã ý thức được giờ đây phải làm cái gì trước. Tôi mạnh điều gì và kém điều gì” - Huy chia sẻ.
Từ Sài Gòn đến Paris bằng xe đạp, cũng không tiền
Trở về, Huy như được tiếp thêm năng lượng, tự tin vạch kế hoạch cho hành trình kết nối, học tập và chia sẻ với bạn bè thế giới về mối quan tâm hàng đầu từ khi khởi nghiệp: Thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Hiện, Huy đang hoàn thiện thiết kế chiếc USB gỗ khắc hình bản đồ Việt Nam mà theo Huy là "chả lẫn vào đâu được trong rừng các sản phẩm IT". Và tháng 6 tới đây, Huy sẽ "dắt" nào chuột, nào bàn phím, nào USB dọc con đường văn hóa, thiên nhiên từ Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn tới Nhà thờ Đức Bà Paris.
Cũng như lần xuyên Việt trước, Huy sẽ đạp xe, không mang theo tiền mà làm việc và trao đổi USB gỗ, chuột gỗ với người dân dọc cung đường lấy lộ phí, nhu yếu phẩm và chỗ ngủ. Khác là, chiếc xe đạp lần này không còn là con ngựa sắt mà là con ngựa bằng mây tre dừa do chính Huy chế tạo.
"Tôi sẽ gói ghém kinh nghiệm thu thập được ở những nơi tôi đi qua, bỏ vào USB gỗ hình bản đồ quê hương, rồi nương theo cung đường ấy tới châu Âu. Tôi sẽ kể cho người dân châu Âu nghe đất nước chúng ta đang phát triển từng ngày, nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp được xây dựng...
Và chúng tôi cũng đã và đang trả giá cho những bước đi chưa đúng đắn trong việc áp dụng công nghệ thông tin cũng như khoa học kỹ thuật vào địa phương. Chúng tôi đã và đang ý thức việc đó và đổi thay mỗi ngày..." - Huy hào hứng cho biết.
Việc kinh doanh của Huy chung quy là hướng về cái đích: tạo ra sản phẩm đặc trưng "made in Việt Nam" gắn liền với phương châm "Thân thiện với môi trường và phát triển bền vững".
Nếu chỉ nghe những gì Huy kể mà không chứng kiến sự chuẩn bị từng chút một, từ thủ tục hành chính đến tìm hiểu kỹ thiên nhiên, văn hóa, hoàn thiện các thiết kế cùng quyết tâm cao độ, dễ có suy nghĩ Huy điên khùng hay viễn vông.
Cho nên, cũng không quá ngạc nhiên khi một ai đó gọi Huy là "kẻ húc đầu vào tường". Có đôi khi, Huy đơn độc trên chính cung đường của mình, nhưng càng vấp váp, ước mơ của Huy càng bùng lên.
Như Huy từng nói: "Nếu chối bỏ ước mơ của mình, tôi sẽ không còn là tôi nữa. Dẫu đã nhiều lần vấp ngã và còn nhiều đèo dốc trước mặt, nhưng thay vì than vãn, tôi sẽ hành động. Hành động để ước mơ không bao giờ tàn lụi".