Trong 2 ngày 18 và 19-8, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Ban Thư ký APEC 2017 tổ chức hội thảo "Thách thức với an ninh lương thực và an ninh nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu khu vực APEC".
Gần 800 triệu người thiếu đói
Đây là một trong những hoạt động của Tuần lễ "An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu", diễn ra từ ngày 18 đến 25-8.
Báo cáo hội thảo cho biết trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi quốc gia và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, an ninh lương thực được cải thiện, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực. Tuy nhiên, việc bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Theo ước tính của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, hiện nay, trên thế giới vẫn còn gần 800 triệu người thiếu đói và hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển. Tình trạng đất nông nghiệp suy giảm cả về diện tích lẫn độ phì nhiêu, nguồn nước cho nông nghiệp trở nên khan hiếm hơn và đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt là những thách thức lớn cho việc bảo đảm an ninh lương thực cho khoảng 7,5 tỉ người trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng APEC bao gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, là khu vực có điều kiện thuận lợi để hình thành chuỗi liên kết và chuỗi giá trị sản xuất vùng và khu vực. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường cũng đang tạo ra các rào cản đối với việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất vùng.
An ninh lương thực là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia. Ảnh: NGỌC TRINH
Phát triển nông nghiệp thích ứng
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đến từ những quốc gia thành viên APEC đã đưa ra nhiều giải pháp tổng thể mang tính thiết thực, cấp bách để giải quyết một cách căn bản vấn đề an ninh lương thực và an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt trên toàn cầu như hiện nay và sắp tới, trong đó có Việt Nam. "Một trong những trụ cột phát triển của nền kinh tế bền vững là an ninh lương thực. Nếu không bảo đảm được an ninh lương thực thì kinh tế sẽ không bảo đảm" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo.
Liên quan đến vấn đề bảo đảm được an ninh lương thực, cùng ngày, cũng trong khuôn khổ Tuần lễ APEC 2017, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia phối hợp với Trung tâm Khí hậu châu Á (APPC) tổ chức hội thảo "Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng - tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực bền vững". Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết mỗi năm, ĐBSCL đóng góp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, trên 50% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân.
Các đại biểu cho rằng Việt Nam cũng như các nước APEC cần nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần nâng cao hiểu biết và sử dụng hiệu quả thông tin thời tiết, khí hậu cho việc xây dựng hệ thống sản phẩm nông nghiệp thích ứng.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh
Sáng cùng ngày, tại TP HCM, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan đã diễn ra hội thảo về "Chia sẻ thực hành tốt trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp về đô thị thông minh trong khu vực APEC". Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng đây là dịp để các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC, trong đó có Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh hiệu quả từ những nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng như nắm bắt được thông tin cập nhật về định hướng phát triển tiêu chuẩn về đô thị thông minh từ các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu thế giới như ISO, IEC.
Cũng theo ông Tùng, sự kiện này rất quan trọng với Việt Nam, nhất là nước ta đang trong giai đoạn đầu phát triển đô thị thông minh và tạo lập nền tảng pháp lý cho các chính sách về phát triển, quản lý và tổ chức đô thị thông minh phù hợp với xu hướng chung của thế giới. TP HCM là một trong những thành phố đi đầu cả nước trong lĩnh vực này, với việc xây dựng và triển khai đề án "Xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
T.Hằng - S.Nhung