Ảnh minh hoạ
Lao động bất hợp pháp bị trục xuất
Nhật Bản đang được coi là thị trường trọng điểm trong ngành xuất khẩu lao động do lượng tuyển dụng lao động Việt Nam tăng và mức thu nhập cao mà thị trường này mang lại. Thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản không chỉ đem đến nhiều cơ hội việc làm cho lao động trẻ mà còn giúp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Năm 2015, Việt Nam đã đưa được 27 nghìn lao động đi làm việc tại Nhật Bản, đạt 136,6% so với năm 2014. Hoạt động đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường Nhật Bản trong năm 2015 được Bộ LĐ-TB&XH quan tâm chỉ đạo sát sao, triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng lao động bỏ trốn.
Trong đó, chú trọng việc yêu cầu và giám sát các doanh nghiệp tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng thực tập sinh đưa đi Nhật Bản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng lao động nhập cảnh và cư trú, làm việc bất hợp pháp ảnh hưởng lớn đến uy tín của lao động Việt Nam cũng như các chương trình hợp tác giữa hai nước.
Ngày 1/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh thành phố Sendai, tỉnh Miyagi Nhật Bản đã ra quyết định trục xuất 4 lao động Việt Nam vào cuối tháng 2/2016. Cụ thể, ngày 22/2, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản nhận được thông tin 3 trường hợp người Việt Nam bao gồm: Trần Vân Anh (nhập cảnh ngày 1/12/2014), Vũ Ba Ban (nhập cảnh ngày 15/4/2014), Phạm Anh Tuấn (nhập cảnh ngày 1/12/2014) bị cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Sendai phát hiện và trục xuất về nước.
Mặc dù 3 người nói trên đã nộp đơn xin tư cách cư trú tị nạn nhưng không được chấp nhận. Trước đó ngày 19/2, lao động Bàn Phúc An (nhập cảnh ngày 1-12-2014) cũng đã bị cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Sendai trục xuất về nước. Trong 4 trường hợp trên chỉ có lao động Bàn Phúc An là thực tập sinh kỹ năng đã tự ý bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp từ ngày 25/6/2015.
Cảnh giác du học trá hình
Trưởng phòng Thông tin, truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) Trần Thị Vân Hà cho biết, Nhật Bản là thị trường khá khó tính, nếu số lượng lao động bỏ trốn quá 5%, doanh nghiệp sẽ ngừng tiếp nhận lao động. Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều biện pháp để phát triển và ổn định thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản theo hướng minh bạch hóa các khoản chi phí.
Doanh nghiệp phái cử Việt Nam phải chú trọng, nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo tiếng, ý thức tổ chức cho thực tập sinh trước khi đưa sang Nhật. Do đó, số lao động bỏ hợp đồng mới ở mức cảnh báo, khoảng 1%. Điều đáng lo ngại và gây ảnh hưởng xấu đến việc mở rộng thị trường là một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu được, tìm mọi cách đưa lao động Việt Nam nhập cảnh, cư trú, làm việc bằng các con đường không chính thống.
Ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) khuyến cáo, để tránh tối đa các rủi ro khi làm việc tại Nhật Bản, người lao động nên đi theo các hình thức chính thống, hợp pháp. Không nên sang Nhật tìm việc bằng các con đường như đi du học, du lịch trá hình rồi bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp.
Hệ lụy của việc xuất khẩu lao động “chui” là người lao động không những mất tiền, không tìm được việc làm mà còn bị bắt, bị phạt tiền, phạt tù, có khi mất cả tính mạng. Ngay cả những trường hợp lao động đi theo chương trình thực tập kỹ năng hợp pháp cũng nên về nước đúng hạn để tránh những rủi ro đáng tiếc như làm việc nặng nhọc, điều kiện làm việc không đảm bảo, không được hưởng bảo hiểm, không được trả lương thỏa đáng, không được pháp luật bảo vệ. Các đối tượng này bất cứ lúc nào cũng có thể bị cảnh sát bắt giữ, trục xuất và không có cơ hội quay trở lại làm việc.
Theo Báo ANTĐ