Phạm Hoàn Khải, 27 tuổi, đến từ An Giang, vừa có chuyến du lịch tự túc đến Ấn Độ hồi tháng 10. Một trong những điểm dừng chân của anh là Varanasi, nơi được coi là vùng đất thánh của các tín đồ Hindu giáo và Phật Giáo. Ở đó, Khải có cơ hội chứng kiến tục thiêu xác của các tín đồ Hindu giáo. Dưới đây là những chia sẻ của anh sau chuyến đi:
Manikarnika Ghat là nơi thiêu xác chính của Varanasi. Đi dọc bờ sông Hằng, tôi quan sát có rất nhiều củi đốt chất thành đống và xác chết được khuân đến đây để chờ thiêu. Chi phí thiêu xác tùy theo từng địa điểm, càng gần bên bờ sông càng đắt. Thiêu bằng lò điện là có giá rẻ nhất. Hướng dẫn viên địa phương tiết lộ, giá thiêu xác trung bình là 100.000 rupee (khoảng 35 triệu đồng), bao gồm củi lửa và thầy cúng làm các thủ tục để đưa người chết về miền cực lạc.
Hàng ngày, có khoảng 200 người được hoả táng rồi rắc tro xuống dòng sông huyền thoại.
Trong lúc hỏa táng, các thầy tu với trang phục áo vàng làm lễ cầu nguyện, mong muốn linh hồn của người chết nhanh chóng buông bỏ thân thể mà về nơi cực lạc. Đội thiêu xác luôn túc trực và chịu trách nhiệm đảm bảo ngọn lửa cháy đều và rực nhất. Thông thường phải mất 4-5 tiếng thì xác chết mới thành nắm tro tàn.
Khi thiêu, xác đàn ông được đặt nằm ngửa và đàn bà nằm sấp. Những người chết do tai nạn hoặc tự sát sẽ thiêu bằng lò điện. Phụ nữ không được tham gia vào việc này, nhằm tránh xuất hiện những giọt nước mắt. Người ta quan niệm, nước mắt sẽ làm linh hồn người chết vấn vương, khó dứt bỏ trần thế để siêu thoát. Thậm chí trước đây đã xảy ra tình trạng phụ nữ nhảy vào lò thiêu để tự sát vì không kìm chế được xúc động.
Loại gỗ được sử dụng trong nghi lễ thiêu xác là gỗ trầm hoặc đàn hương, hai loại gỗ có mùi thơm đặc biệt khi đốt cháy. Tuy nhiên, với tôi, chứng kiến phong tục truyền thống này cùng mùi cháy tử thi thì không khỏi rùng mình mỗi khi nhớ đến.
Khải tận mắt chứng kiến tục thiêu xác bên bờ sông Hằng
Sau khi hoàn tất thủ tục hỏa táng, họ mang tất cả tro, cốt, và quần áo của người chết đổ xuống sông Hằng. Hiện giá thành củi đốt ngày một cao, khiến những gia đình nghèo không đủ sức tiến hành nghi thức hỏa táng cho người chết. Họ đành quấn sơ sài những xác chết và cứ thế thả về với sông mẹ.
Với trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị rắn hổ mang cắn và các bậc thánh nhân, người dân không thiêu mà quấn xác chết vào cột đá rồi dìm xuống sông Hằng.
Đó cũng là lý do sông Hằng ngày một ô nhiễm, dù người dân tin rằng hiện thân của nữ thần Ganga có khả năng tự thanh lọc. Những người bệnh và già sẽ hành hương đến Varanasi chờ chết để Đức mẹ rước về thiên đường rồi được thiêu xác, thả xuống sông.
Các tín đồ cho rằng được tắm ở dòng Hằng giúp rửa sạch tội lỗi và được chết ở sông Hằng sẽ giúp thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Khi đến đây, du khách nên đi thuyền trên sông với giá là 200 rupee (70.000 đồng) một người. Du khách có thể mua hoa và đèn cúng để thả xuống sông hoặc mua các loài cá để phóng sinh cầu phước lành. Ngoài ra, vào đúng 18 giờ mỗi ngày tại Dashashwamedh Ghat sẽ diễn ra lễ cầu siêu rất linh đình mà du khách không nên bỏ qua.