Microsoft từ lâu đã chuyên về phần mềm. Windows là sản phẩm bán chạy nhất của hãng này, song song với bộ phần mềm Microsoft Office nhưng cách mà Microsoft bán Windows đến với người dùng mới đáng chú ý. Phần lớn doanh số của Windows lại đến từ việc bán bản quyền số lượng lớn cho các nhà sản xuất máy tính, để rồi những công ty sản xuất máy tính cá nhân này lại kèm phí bản quyền đó vào giá sản phẩm. Khi đến tay người tiêu dùng dưới dạng các máy tính xách tay, máy tính để bàn... thì người tiêu dùng đã gián tiếp trả tiền bản quyền Windows cho Microsoft. Trong một thời gian dài sử dụng phương thức này, Microsoft biến Windows thành hệ điều hành tiêu chuẩn cho máy tính. Hiếm có người dùng phổ thông nào biết đến hoặc có thể sử dụng các hệ điều hành khác và thế là Windows nghiễm nhiên đồng hành cùng thị trường máy tính cá nhân. Microsoft kiếm được hàng tỉ USD/năm nhờ sự thống trị tuyệt đối này.
Điều mà người dùng vẫn chưa rõ là liệu Microsoft sẽ lại tạo ra một “khu vườn kín” như Apple hay một lựa chọn “mở” như Google? |
Dưới áp lực mới và một Windows 8 đáng thất vọng, Microsoft phải đi tìm các hướng đi mới, điều đó đã thấy ở dòng máy tính bảng Surface. Đây là một hướng đi cho phép Microsoft tự quản lý sản phẩm phần cứng và phần mềm cùng lúc, tách doanh thu của họ ra khỏi doanh thu của các hãng sản xuất máy tính thứ ba nhưng đó vẫn chưa phải là kế hoạch lớn của Microsoft.
Gần đây, Apple đã gây ngạc nhiên với việc công bố sẽ không thu phí bản quyền hệ điều hành OS X Maverick của họ với người dùng máy Mac cũ và dĩ nhiên kèm theo các máy Mac mới, biến OS X thành một hệ điều hành nữa không thu phí bản quyền nhưng chỉ dành cho máy Mac. Google vẫn bám theo Chrome OS, một hệ điều hành có cùng chiến thuật với Android: Miễn phí hệ điều hành cho các nhà sản xuất thiết bị nhưng buộc người dùng vào các dịch vụ của riêng họ. Những chiến thuật kiểu như thế, không thu phí hệ điều hành nhưng kiếm tiền từ dịch vụ sẽ chính là cách mà Microsoft đi theo trong tương lai.
Nếu như sức thu hút của Apple là các thiết bị vô cùng chất lượng hay Google với hệ thống dịch vụ đa dạng thì Microsoft có gì để thu hút người dùng? Câu trả lời nằm ở bộ phần mềm văn phòng Office. Cho đến nay, bộ phần mềm này đã không còn đơn giản chỉ là một danh sách các phần mềm công cụ mà còn kèm theo cả các dịch vụ điện toán đám mây. Những dịch vụ này cho ra các tính năng vượt trội so với những đối thủ của Microsoft (Google với Google Drive mới có thể so sánh). Đây chính là “con át chủ bài” mà Microsoft sẽ tận dụng để kéo người dùng về phía họ, cùng với một hệ điều hành có cái giá bản quyền bằng 0.
“Windows with Bing” là bước đầu tiên cho thấy tham vọng của Microsoft. Một hệ điều hành miễn phí nhưng kèm các dịch vụ của Microsoft, trong đó có dịch vụ tìm kiếm Bing. Có thể từ đó để dự đoán rằng trong tương lai sẽ có các phiên bản hệ điều hành Windows 9 hoàn toàn miễn phí cho các nhà sản xuất thiết bị cũng như cho người dùng tải về nhưng luôn kèm theo các dịch vụ của Microsoft. Hãng này cũng đã từng bước chuẩn bị cho một tương lai như thế. Dịch vụ Office trực tuyến Office 365 và dịch vụ lưu trữ đám mây OneDrive (đổi tên từ Skydrive) vừa được nâng cấp, sẵn sàng để có thể tích hợp vào Windows. Dĩ nhiên là hướng đi của các thiết bị máy tính cá nhân mang mác Microsoft vẫn còn đó nhưng chúng sẽ có những trải nghiệm khác, có thể tương tự những gì mà Apple đang làm với dòng máy Mac.
Lúc này, Microsoft đang phải đắn đo giải quyết hậu quả của một Windows 8 vừa thất bại và cũng chuẩn bị cho tương lai của phiên bản Windows tiếp theo. Khi Windows 9 ra đời, người dùng cũng đừng ngạc nhiên với những lựa chọn mới.