Theo Nghị định số 25/2011 có hiệu lực từ ngày 1/6, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ phải thoái vốn ở 2 nhà mạng là MobiFone và VinaPhone.
Ảnh minh họa
Theo thông tin mới nhất của báo Người lao động, VNPT đã hoàn tất phương án đối phó với Nghị định 25 trình bộ Thông tin Truyền thông. Hiện phương án cuối cùng chưa được tiết lộ.
Theo giới phân tích, một phương án có thể được lựa chọn là VNPT sẽ phải nhập 2 mạng làm một, đồng thời vẫn giữ được 2 thương hiệu MobiFone và VinaPhone.
Về phương án này, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết hiện nhiều nước cũng có tình trạng sáp nhập các mạng di động nhưng vẫn duy trì các thương hiệu trên thị trường theo cách một chủ sở hữu có nhiều thương hiệu mạng di động được bán dịch vụ.
VNPT có thể phải chọn phương án thứ hai, là cổ phần hóa một nhà mạng và thoái vốn còn không quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần.
Theo phân tích từ giới chuyên môn, nhiều khả năng MobiFone sẽ được VNPT lựa chọn hơn so với cổ phần hóa VinaPhone. Việc cổ phần hóa và thoái vốn tại VinaPhone phức tạp hơn rất nhiều do nhà mạng này vẫn đang hạch toán phụ thuộc và chưa có kế hoạch cổ phần hóa.
Tuy nhiên, điều khó là MobiFone đang chiếm trên 50% lợi nhuận nhưng chỉ chiếm khoảng 4% lao động của VNPT. Nếu buộc phải lựa chọn, VNPT có thể để các công ty con mua cổ phần của MobiFone.
Nhưng những đơn vị có tiềm lực mạnh của VNPT lại đang hoạt động theo mô hình hạch toán phụ thuộc nên không thuộc diện được mua cổ phần. Còn các công ty con khác thuộc diện được mua cổ phần thì vốn lại quá nhỏ, thường là các đơn vị thuộc khối xây lắp, công nghiệp.
Hiện VNPT vẫn chưa có tuyên bố cuối cùng về giải pháp cổ phần hóa MobiFone và khẳng định cũng còn mất thêm nhiều thời gian để hoàn tất quá trình này.