Android là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, do đó ngày càng thu hút sự chú ý của tin tặc nhắm đến các thông tin cá nhân và tài chính của người dùng.
Sau đợt sụt giảm vào đầu tháng 3-2014, các chuyên gia Kaspersky Lab đã ghi nhận và thấy số lượng tấn công bởi phần mềm độc hại Trojan-SMS gia tăng đáng kể suốt thời gian còn lại của năm. Số lượng tấn công tài chính hướng đến người dùng Android năm 2014 tăng 3,25 lần so với năm 2013 (từ 711.993 lên 2.317.194). Tổng số người dùng bị tấn công tăng 3,64 lần (từ 212.890 lên 775.887). Có 98,02% cuộc tấn công sử dụng phần mềm độc hại liên quan đến ngân hàng trên Android chủ yếu từ loại mã độc là Faketoken, Svpeng và Marcher.
Sự sụt giảm hồi đầu năm 2014 trên được cho là do các nhà điều hành mạng điện thoại di động ở Nga (được cho là nguồn phát tán chính Trojan-SMS) áp dụng phương pháp thông báo cước phí (Advice of Charge). Tức mỗi khi khách hàng (hoặc SMS Trojan) thực hiện gửi tin nhắn đến một đầu số cao cấp, nhà mạng sẽ thông báo đến khách hàng mức phí của dịch vụ và yêu cầu xác nhận khiến cho Trojan-SMS “hết đường” hoạt động.
Tuy nhiên, sự phát triển tăng mạnh nhất vào tháng 12, mùa của mua sắm và giao dịch trực tuyến cũng là thời gian tội phạm mạng nhắm đến dữ liệu tài chính.
Roman Unucheck, chuyên gia phân tích phần mềm độc hại cao cấp của Kaspersky Lab nhận định: "Số người dùng Android gia tăng đáng kể, kéo theo sự gia tăng số lượng phát hiện phần mềm tài chính độc hại và số người dùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng chung của các cuộc tấn công nhắm vào lĩnh vực tài chính có phần nhanh và lớn hơn có thể được giải thích bởi sự gia tăng các thiết bị Android đơn lẻ”.