Đó là thành quả phát triển công nghệ pin aluminum-ion mà các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã đạt được. Kết quả pin sạc nhanh hơn, thời lượng sử dụng lâu và ít tốn kém này đã được công bố trên tạp chí Nature.
Dai Hongjie, giáo sư hóa học Đại học Stanford dẫn đầu nhóm các nhà nghiên cứu pin aluminum-ion, khẳng định pin mới mà nhóm ông phát triển sẽ không gây cháy, thậm chí cả khi dùng mũi khoan lên nó. Bên cạnh đó, việc sử dụng chất liệu nhôm có giá thành rẻ, cùng khả năng chống cháy và dung lượng lưu trữ cao khiến pin aluminum-ion có rất hứa hẹn trong tương lai.
Pin aluminum-ion bao gồm anode (điện tích âm) làm bằng nhôm, và graphite cathode (điện tích dương) và lớp điện phân ion lỏng, về cơ bản chúng là muối có khả năng chịu nhiệt, vì vậy nó rất an toàn. Chúng được gói bên trong một túi bọc polymer có thể uốn dẻo. Trong khi pin lithium-ion hiện giờ mất hàng giờ mới có thể sạc đầy thì pin mới có thể sạc đầy chưa đến 1 phút.
Không giống như các nguyên mẫu pin aluminum-ion trước đây có tuổi thọ chỉ sau 100 lần sạc, pin của các nhà nghiên cứu Đại học Stanford có thể cho số lần sạc/xả lên đến hơn 7.500 lần mà không làm ảnh hưởng đến hiệu suất lưu trữ, cao hơn so với pin lithium-ion có số chu kỳ sạc thông thường khoảng 1.000 lần.
Tuy nhiên, hiện pin aluminum-ion chỉ mới tạo ra mức điện áp cao nhất là 2 volt, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết họ đang cố gắng để cải thiện điều này để sớm đưa chúng ra thị trường.
Theo các nhà nghiên cứu, pin aluminum-ion mà họ phát triển có thể sử dụng trong xe hơi và các thiết bị điện tử uốn cong, một phần nhờ vào tính năng uốn dẻo của nó. Với pin, mọi người có thể uốn cong nó hoặc gấp nó lại.
Do đó, nếu thành công, pin sẽ là sản phẩm “không tốn kém, độ an toàn cao, tốc độ sạc nhanh, uốn dẻo và tuổi thọ dài”.