Eduardo Saverin từng là bạn thân của Mark Zuckerberg (người được coi là "cha đẻ "của Facebook ngày nay) dưới mái trường Harvard. Và cặp song sinh Tyler và Cameron Winklevoss từng là bạn cùng lớp của Zuckerberg. Họ đã thuê Zuckerberg lập một mạng xã hội nhưng dự án này bị bỏ dở...
Ý tưởng của ai?
Năm năm trước, khi còn học ở Harvard, ngoài chuyện có thành tích xuất sắc trong môn toán, Zuckerberg và Saverin còn nỗ lực trong nhiều việc khác như… ghi điểm với các sinh viên nữ. Saverin có vẻ thành công, còn Zuckerberg thì không.
Nhưng có ba sinh viên của Harvard là Divya Narendra, và cặp song sinh Cameron và Tyler Winklevoss, để ý đến Zuckerberg. Họ mời Zuckerberg hỗ trợ kỹ thuật để lập website Harvard Connection giúp sinh viên hẹn hò và thiết lập các mối quan hệ qua internet. Họ chờ đợi Zuckerberg triển khai việc làm website, để rồi sau đó ngã ngửa khi biết Zuckerberg, với sự giúp đỡ tài chính của Saverin, đã mở website riêng với tên miền: thefacebook.com.
Những người không được nêu tên
Facebook đã nhanh chóng trở thành mạng xã hội được nhiều người sử dụng. Zuckerberg đã chuyển văn phòng công ty về thung lũng Silicon và bắt tay với các nhà đầu tư để mở rộng doanh nghiệp của mình. Nhưng những bất đồng về chiến lược đã gây ra những mối bất hoà giữa Zuckerberg và Saverin. Để không bị bạn thân cản trở việc làm ăn, Zuckerberg cuối cùng đã đẩy Saverin ra khỏi công ty. Dẫn lời bạn bè của Zuckerberg, Mezrich mô tả người sáng lập Facebook là một thanh niên có tính cách và suy nghĩ “không thể lường”.
Năm 2005, những cuộc kiện tụng giữa hai người bạn thân bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến tháng 8, khi toà bác đơn kiện. Mãi đến cuối năm 2008, đầu năm 2009, tên của Saverin mới được thêm vào facebook với tư cách là người đồng sáng lập. Cameron và Tyler Winklevoss cũng đã đâm đơn kiện Zuckerberg đánh cắp ý tưởng về mạng xã hội. Vụ kiện này sau đó đã được luật sư hai bên hoà giải và cặp song sinh nhận khoản bồi thường 65 triệu USD.
Ngày hôm qua (16-7), Facebook công bố đạt đến số lượng 250 triệu người sử dụng. Cũng vào hôm qua, người phát ngôn của Facebook nhận xét quyển sách của Ben Mezrich là không chính xác. Các phê bình của giới cầm bút chỉ tập trung vào kỹ thuật viết mà Mezrich sử dụng trong một quyển sách được gọi là “non fiction” (không hư cấu). Dù sao thì vẫn thấy rõ ràng là Facebook đã thành công khi đưa mọi người đến với nhau, nhưng thành công của nó lại chia rẽ hai người bạn thân.