Điều này có nghĩa là bất kỳ kẻ xấu nào cũng có thể mua lại chúng và thực hiện những vụ tấn công tương tự vào các doanh nghiệp, tổ chức khác.
Tấn công mạng đang ngày càng trở thành mối hiểm họa mà các chính phủ, doanh nghiệp trên toàn thế giới phải đối mặt. Hàng loạt vụ tấn công của hacker đã để lại những hậu quả nặng nề, như vụ tấn công vào mạng Sony vào cuối 2014, hay vụ đánh cắp hàng trăm triệu USD của các ngân hàng từng bị phát hiện hồi tháng 2-2015...
Điều đáng buồn, đó là các vụ tấn công mạng này dường như không có dấu hiệu giảm bớt. Ngược lại, giới chuyên gia bảo mật nhận định rằng hacker sẽ còn hoành hành mạnh hơn trong tương lai. Theo tiết lộ mới đây từ cựu hacker Jon Miller với chương trình truyền hình "60 Minutes", các hacker từ Nga đang rao bán những phần mềm, malware từng được dùng để tấn công Sony Pictures với giá 30.000 USD.
Đây là vụ hack mà Sony phải chịu hậu quả rất nặng nề: 3.000 máy tính bị phá hủy; số an sinh xã hội của gần 50.000 người, từ người nổi tiếng cho đến nhân viên Sony...bị phơi bày trên Internet. Các bộ phim chưa phát hành của công ty Nhật Bản này cũng bị đánh cắp và phát tán; các email cá nhân của lãnh đạo Sony cũng bị đem ra công bố trước "bàn dân thiên hạ".
Vụ tấn công vào Sony chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về tấn công mạng máy tính. Hacker Trung Quốc mới đây vừa bị nghi là thủ phạm âm thầm tấn công vào các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam suốt 10 năm qua, nhằm "phục vụ nhu cầu tình báo của Trung Quốc về các vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế, tranh chấp lãnh thổ... quan trọng ở Đông Nam Á" - theo nhận định của hãng bảo mật Mỹ FireEye.
Với việc công cụ tấn công bị bày bán tràn lan, bất kỳ kẻ phá hoại nào cũng có thể mua lại chúng rồi thực hiện các vụ hack tương tự vào doanh nghiệp, tổ chức khác nếu muốn - Jon Miller, người hiện đang là Phó Chủ tịch chiến lược cho công ty phát triển phần mềm diệt virus Cylance, nhận định.
Phân tích của chuyên gia an ninh mạng này cho thấy với mức độ bảo mật hiện nay của các doanh nghiệp, 90% trong số các công ty có nguy cơ gặp phải "thảm họa" tương tự Sony. "Có tới ba, bốn, thậm chí là năm nghìn kẻ xấu, có thể thực hiện các cuộc tấn công tương tự như vụ Sony. Rất nhiều hacker đến từ những quốc gia không mấy thân thiện, và số hacker như vậy đang tăng lên nhanh chóng" - Miller cho biết.
Ông cũng tỏ ra bi quan về sự an toàn của Internet, khi cho rằng hacker hiện đang có những phương thức hoạt động tinh vi, khiến cảnh sát cũng như chính phủ các quốc gia gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn.
Những thống kê cho thấy số vụ hack vào doanh nghiệp, cơ quan chính phủ tăng lên chóng mặt trong 2014. Trong một thông cáo phát đi, công ty bảo mật Hà Lan Gemalto cho biết năm ngoái đã xảy ra 1.500 vụ hack trên toàn thế giới, tăng 50% so với 2013.
Cùng với những gì chuyên gia bảo mật Jon Miller tiết lộ, có thể thấy rằng nếu các doanh nghiệp, chính phủ các quốc gia không đánh giá đúng tầm quan trọng của an ninh mạng, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công với hậu quả tương tự, thậm chí nặng nề hơn những gì Sony Pictures từng phải gánh chịu.