"Tiền ảo" rửa sạch tiền "bẩn"
Ông Cao Văn Lộc - Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Đội 11, PC46, Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện nay tình trạng các đối tượng lợi dụng Internet và công nghệ cao để rửa tiền diễn ra khá tinh vi và phức tạp, gây khó khăn rất lớn cho công tác điều tra. Theo đó, có 2 hình thức là rửa tiền từ nước ngoài về Việt Nam và rửa tiền từ trong nước ra nước ngoài.
Việt Nam đang là một trong số các quốc gia bị tội phạm quốc tế nhòm ngó để thực hiện các hành vi rửa tiền xuyên biên giới. Ảnh có tính minh họa.
Theo ông Lộc, cơ quan công an đã từng phát hiện ra một số vụ rửa tiền từ nước ngoài về Việt Nam bằng cách, đối tượng dùng SMS giả vờ nhắn tin thông báo trúng thưởng, hoặc được hưởng thừa kế đến điện thoại, email của một số người ở Việt Nam. Nếu người nhận liên lạc lại với người gửi SMS thì bằng nhiều thủ đoạn đối tượng sẽ hướng dẫn "con mồi" ở Việt Nam mở tài khoản ngân hàng rồi bọn chúng tìm cách chuyển tiền về tài khoản của "con mồi".
Ví dụ, đối tượng sẽ chuyển tiền và quy đổi ra khoảng 3 tỷ đồng thì người ở Việt Nam rút tiền ra và gửi chuyển lại vào tài khoản khác của bọn chúng 2 tỷ đồng, còn chủ tài khoản được hưởng 1 tỷ đồng. Khi đó bọn chúng sẽ có 2 tỷ đồng tiền sạch được rửa, thực chất đây là những khoản tiền có nguồn gốc không rõ ràng, tiền từ kinh doanh bất hợp pháp hoặc tiền do bọn chúng hack các tài khoản ngân hàng sau đó rửa tiền ở Việt Nam.
Còn một thủ đoạn tinh vi khác là hành vi rửa tiền từ trong nước ra nước ngoài để hưởng các khoản lãi suất gửi tiền qua đêm. Ông Lộc ví dụ, một công ty A trong nước làm ăn với một công ty B ở nước ngoài, hai bên ký kết hợp đồng kinh tế, sau đó công ty A chuyển tiền từ Việt Nam đi cho công ty B ở châu Âu hoặc châu Mỹ. Vì chênh lệch múi giờ nên tiền sẽ phải chuyển qua hệ thống ngân hàng của một số nước. Ví dụ, tiền sẽ chuyển trên hệ thống ngân hàng từ Việt Nam sang Hồng Kong, rồi sang một nước ở vùng Caribe sau đó mới nằm trong tài khoản của công ty B ở Mỹ. Trong trường hợp đồng tiền khan hiếm các ngân hàng sẽ trả lãi suất qua đêm trong quá trình trung chuyển tiền qua nhiều nước do chênh lệch múi giờ.
Đối với các trường hợp chuyển tiền đi nước ngoài này, số tiền lãi suất qua đêm rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng mỗi đêm và những khoản tiền này nhiều khả năng rơi vào túi các cá nhân làm việc ở ngân hàng. "Hiện cơ quan điều tra đang tìm hiểu xem ai là người được nhận khoản chênh lệch lãi suất qua đêm này", ông Lộc cho biết.
Cũng liên quan đến việc rửa tiền qua mạng ảo, bản tin VTV1 sáng ngày 30/5/2013 đã cho biết, tại Việt Nam, ngày 28/5/2013, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an (C45) đã kết luận điều tra vụ án kinh doanh trái phép tiền điện tử Liberty Reserve (viết tắt là tiền LR). Đây là vụ án liên quan đến "tiền ảo" (ví điện tử) lần đầu tiên được xử lý tại Việt Nam. Theo nhận định của cơ quan chức năng , tiền LR có thể là “điểm cuối cùng” trong quá trình hoạt động phạm tội. Bọn tội phạm sẽ rửa khoản tiền bất hợp pháp thu được từ mua bán thông tin thẻ tín dụng, trộm cắp hàng hóa, tống tiền, làm thẻ tín dụng giả, cá độ bóng đá... thanh toán cho nhau bằng tiền LR sau đó được đổi thành tiền VNĐ hoặc tiền ngoại tệ.
Trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, mô hình Liberty Reserve đang hoạt động tại tên miền libertyreserve.com.vn về bản chất là một loại hình kinh doanh "tiền ảo", đây chính là một cổng trung gian thanh toán mà LR là đồng tiền ảo phục vụ cho quá trình luân chuyển tiền ảo.
Thông thường, với loại hình dịch vụ trung gian thanh toán do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sẽ có một mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ và mạng lưới chấp nhận, thanh toán bằng ví điện tử của doanh nghiệp này. Nhưng LR là cổng thanh toán điện tử cho phép khách hàng mở tài khoản dễ dàng chỉ với một địa chỉ email, do đó LR không dễ liên kết được với các ngân hàng tại Việt Nam để kinh doanh một cách đàng hoàng.
Đường đi tiền bẩn trong quy trình rửa tiền qua Liberty Reserve. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Khó xác định chứng cứ kết tội rửa tiền
Trao đổi với ICTnews về vụ "tiền ảo" LR mà C45 mới công bố kết luận điều tra, một lãnh đạo của Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, việc xác định tính pháp lý của tiền LR rất khó khăn, vì hiện nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công nhận và chưa quản lý "tiền ảo". LR không phải là ngoại tệ và trang web libertyreserve.com.vn cũng không phải là điểm thu đổi ngoại tệ, do đó trách nhiệm quản lý các hoạt động của đồng tiền LR không thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.
Tại Mỹ, mạng chuyển tiền trực tuyến Liberty Reserve đang bị cáo buộc là một ổ tội phạm trá hình giúp rửa hơn 6 tỷ USD từ trộm cắp đến kinh doanh khiêu dâm trẻ em. Cho đến khi bị đóng cửa vào tuần trước thì mạng lưới đặt trụ sở tại Costa Rica này có khoảng 1 triệu người sử dụng (trong đó hơn 200.000 người tại Mỹ) và xử lý hơn 55 triệu giao dịch bất hợp pháp trị giá đến 6 tỷ USD.
Còn ở Việt Nam, theo lời vị lãnh đạo Cục Phòng, chống rửa tiền kể trên, rất khó xác định nguồn tiền mà người ta dùng để mua LR có phải là tiền bất hợp pháp hay không nên cũng không thể xác định các đối tượng kinh doanh "tiền ảo" có rửa tiền hay không. Do đó, cơ quan điều tra chỉ có thể khởi tố những đối tượng này về tội kinh doanh trái phép (mà chưa thể khép vào tội có mức độ nặng hơn là rửa tiền).
Ông Cao Văn Lộc thì cho rằng, trong điều tra quan trọng nhất là chứng cứ song với tội phạm mạng việc thu thập chứng cứ đã khó khăn, việc chuyển hóa chứng cứ điện tử, quản lý chứng cứ còn khó khăn hơn nhiều. Bên cạnh đó, chứng cứ điện tử và trình tự thủ tục thu thập, phân tích, phục hồi, giám định loại chứng cứ này chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Một số văn bản quy phạm pháp luật về CNTT, viễn thông, thương mại điện tử, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử còn nhiều sơ hở để tội phạm lợi dụng hành vi phạm tội. Do đó, công tác đấu tranh với loại tội phạm rửa tiền qua mạng công nghệ cao còn rất khó khăn.