Đã có hàng loạt xu hướng công nghệ được thúc đẩy như là “nền tảng của tương lai”. Đã có các sản phẩm máy tính đeo trên người như smartwatch, công nghệ thiết bị gia dụng thông minh, tivi thông minh, thiết bị giải trí tại gia, công nghệ in 3D được sự “đỡ đầu” của các tên tuổi: Google, Apple, Microsoft, Samsung, Sony... Trong đó, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) nổi lên vượt trội, nhất là về tiềm năng ứng dụng gần như bất tận của nó.
Một giấc mơ từ lâu
Ý tưởng công nghệ thực tế ảo không mới. Có thể nói, đây là một giấc mơ viễn tưởng đã có từ khi ngành công nghệ còn non trẻ ở những năm 1920 nhưng hạn chế về công nghệ thời đó đã không thể cho ra các sản phẩm thật sự chấp nhận được.
Oculus Rift vẫn là một sản phẩm có gốc nằm ở game giải trí. Với sự hứa hẹn sẽ trở thành một nền tảng chơi game giải trí tương lai, cung cấp một trải nghiệm vượt xa độ hiện thực mà màn hình máy tính có thể đem lại, Oculus Rift nhanh chóng chiếm được cảm tình và sự ủng hộ của giới mộ điệu game giải trí. Những người đầu tư vào dự án Kickstarter thành lập một cộng đồng thử nghiệm sản phẩm này và đã chứng minh nó có tiềm năng vượt xa khỏi ngành game giải trí. Chính điều đó đã hấp dẫn CEO Mark Zuckerberg của Facebook.
Đặt cược vào tương lai
Vụ sáp nhập này của Oculus Rift và Facebook nhanh chóng tạo ra hàng loạt phản ứng khác nhau trong thế giới công nghệ.
Cộng đồng ủng hộ Oculus Rift vào những ngày đầu trên Kickstarter thì phẫn nộ, cho rằng Oculus Rift đã phản bội lại hướng đi game giải trí. Họ thất vọng cũng phải! Oculus Rift từ một nền tảng của sự giải trí, nay biến thành công cụ nằm trong sự quản lý của một hãng khét tiếng xấu trong việc vi phạm tự do cá nhân là Facebook. Trong khi đó, nhiều người đặt câu hỏi liệu mạng xã hội Facebook có thể làm gì với một công nghệ vốn dành cho game giải trí? Họ quên rằng thực tế ảo vượt xa những gì mà game giải trí hứa hẹn và đó là một sự thật không thể tránh khỏi.
Cũng như những gì mà công nghệ máy tính cá nhân rồi công nghệ di động từng thay đổi cách sống và làm việc của người dùng thế giới một cách đột phá, công nghệ thực tế ảo mang tiềm năng trở thành bước tiếp theo của công nghệ máy tính. Điều đó có thể còn nằm trong vòng tranh cãi vì thực ra, đã có quá nhiều thứ được hứa hẹn như thế. Nào là máy tính bảng, smartphone thay thế máy tính cá nhân, rồi đến smartwatch... nhưng những thứ đó chỉ đơn giản là các xu thế sản phẩm công nghệ.
Công nghệ thực tế ảo, trên diện rộng, là một công nghệ có thể thay thế khả năng tương tác với máy tính của người dùng và đem đến những trải nghiệm mà không công nghệ nào trước đó làm được. Mark Zuckerberg giải thích: “Thử tưởng tượng bạn có thể xem một trận đấu thể thao như đang ngồi tại sân đấu, tham gia một phòng học với học sinh và giảng viên khắp thế giới hay tư vấn trực tiếp với bác sĩ từ xa. Tất cả chỉ bằng việc mang một thiết bị mắt kính”.
Cùng lúc, Facebook sẽ là nền tảng nằm đằng sau các trải nghiệm đó. Thực tế ảo cho phép Facebook thu thập những thông tin sát với bạn hơn bao giờ hết, vượt xa khỏi thời gian mà bạn sử dụng internet.
Công nghệ thực tế ảo đang trong giai đoạn chuẩn bị trỗi dậy mạnh mẽ. Google với công nghệ thực tế ảo của riêng mình đã kết hợp những gì bạn thấy ngoài đời thực và thông tin dịch vụ mà họ cung cấp qua mắt kính thông minh Google Glass. Sony cũng đã có sản phẩm riêng - Project Morpheus. Microsoft và nhiều hãng khác cũng đang trong vòng thí nghiệm…
Chuỗi mua sắm của Facebook Thương vụ mua lại Oculus Rift của Facebook có giá lên đến 2 tỉ USD. Đây chỉ là một thương vụ trong chuỗi mua sắm hàng loạt công ty công nghệ của Facebook. Các thương vụ đáng chú ý trước đó là WhatsApp (19 tỉ USD) và Instagram (1 tỉ USD). Hầu hết các thương vụ này được trả bằng một phần tiền mặt, phần còn lại đến từ kho cổ phiếu Facebook mà CEO Mark Zuckerberg sở hữu. Riêng Oculus Rift được trả 400 triệu USD tiền mặt, còn lại là 23,1 triệu cổ phiếu Facebook. |