Gần như cùng lúc Intel công bố chuẩn Thunderbolt, các sản phẩm laptop mới MacBook Pro 2011 của Apple mới tung ra thị trường cũng được tích hợp chuẩn kết nối Thunderbolt này. Vậy chuẩn kết nối Thunderbolt có những điểm gì mới?
Thunderbolt chuyển đồng thời cả dữ liệu và hình ảnh
1. Truyền dữ liệu siêu nhanh: Thunderbolt dựa trên hai giao thức kết nối phổ biến là PCI Express cho truyền tải dữ liệu và DisplayPort cho hiển thị nội dung ra màn hình gắn ngoài. Chính vì vậy mà Thunderbolt có tốc độ siêu nhanh. Trên lý thuyết thì Thunderbolt có tốc độ 10 Gbps, nhanh hơn USB 3.0 khoảng 2 lần và 20 lần so với cổng kết nối phổ biến nhất hiện nay USB 2.0. Thunderbolt có thể copy xong một đĩa Blu- ray dưới 30 giây và chỉ 10 giây đối với dung lượng MP3 được phát liên tục trong 1 năm.
2. Vẫn sử dụng cáp đồng: Mặc dù ban đầu được Intel đặt tên là Lightpeak - một công nghệ quang học nhưng Thunderbolt vẫn được sử dụng cáp đồng. Lý do của việc này là để giảm giá thành và có thể cung cấp nguồn cho các thiết bị ngoại vi - các cổng kết nối quang học không thể làm được. Mặc dù sử dụng cáp đồng nhưng Thunderbolt vẫn đảm bảo tốc độ 10 Gbps - một tốc độ đáng nể trên cáp đồng. Theo Apple thì Thunderbolt có thể cung cấp công suất tối đa 10 W cho các thiết bị so với 8 W của FireWire 800 và 5 W của USB 3.0. Như vậy hầu hết các thiết bị sẽ không cần cung cấp thêm nguồn mà vẫn hoạt động tốt.
3. Sẽ nhanh hơn trong tương lai: Intel đã tuyên bố trong thập kỷ tới cổng Thunderbolt sẽ có tốc độ 100 Gbps. Tuy nhiên, để đạt được tốc độ này thì có lẽ phải sử dụng sợi cáp quang.
4. Thay thế nhiều chuẩn giao tiếp khác: Thunderbolt ra đời với ý tưởng gộp các cổng kết nối khác nhau thành một. Thunderbolt có thể thay thế cho hầu hết các cổng giao tiếp hiện nay như USB, HDMI, SCSI, SATA, PCI Express, Displayport, eSATA. Việc này có thể giảm số lượng cổng trên máy tính xách tay.
Cổng kết nối Thunderbolt có biểu tượng "tia sét"
5. Hoàn toàn giống với cổng DisplayPort: Thunderbolt dựa trên hai giao thức kết nối phổ biến là PCI Express và DisplayPort nên chuẩn kết nối mới này sẽ tương thích với cổng DisplayPort trên các màn hình hiện nay. Và trên các PC, laptop có hỗ trợ Thunderbolt thì sẽ có các biểu tượng “Tia sét” để phân biệt với cổng DisplayPort. Riêng trên dòng MacBook Pro 2011 mới, cổng Thunderbolt được làm chung với cổng Mini DisplayPort.
6. Chip điều khiển Thunderbolt: Công nghệ Thunderbolt sử dụng một con chip điều khiển của Intel để chuyển đổi quang học thành điện và ngược lại. Trong các con chip này có các tia laser rộng khoảng 250 micromet (bằng chiều rộng của 2 sợi tóc), và truyền qua mỗi kênh bằng cách sử dụng cáp quang học rộng 125 micromet.
7. Không tranh chấp giao thức: Chip điều khiển có khả năng chuyển đổi giao thức, để cho nhiều giao thức (như DisplayPort và PCI Express) có thể được chạy trên một dây cáp Thunderbolt duy nhất. Điều này có nghĩa là nhiều thiết bị chạy nhiều giao thức có thể chia sẻ một dây cáp, có thể dẫn đến việc xây dựng các thành phần nhỏ hơn và nhiều hiệu quả hơn.
8. Cáp dài hơn: Như chúng ta đã biết cáp quang có thể truyền tải dữ liệu đi xa hơn vì ít làm suy giảm tín hiệu như cáp đồng. Nhưng cáp Thunderbolt có thể truyền dữ liệu xa tới 100 m, so với chỉ tối đa 5 m của cáp USB.
9. Thunderbolt sẽ thay thế USB 3.0: Intel giới thiệu lần đầu Thunderbolt (Light Peak) tại diễn đàn phát triển Intel vào tháng 9 năm 2009. Chính vì Intel không hỗ trợ USB 3.0 trên dòng CPU Core thế hệ mới thứ hai của mình, Sandy Bridge, nên có thể thấy Intel đang đặt cược rất lớn vào Thunderbolt và rất có thể Thunderbolt sẽ là chuẩn giao tiếp phổ biến nhất trong thời gian tới.
10. Kết nối thiết bị ngoại vi dễ dàng hơn: Thời điểm hiện tại chúng ta chưa thấy sự xuất hiện của bất kỳ sản phẩm thiết bị gắn ngoài nào có cổng Thunderbolt nhưng Intel cho biết Lacie, Aja, Apogee, Avid, Blackmagic, Promise và WD sẽ giới thiệu máy tính, màn hình ngoài, thiết bị lưu trữ, thiết bị âm thanh/hình ảnh, camera... có chuẩn kết nối tốc độ cao này. Trong vài năm tới, chúng ta có thể chỉ phải sử dụng 1 sợi cáp duy nhất cho các thiết bị ngoại vi.
Chuẩn Thunderbolt (ban đầu có tên mã là Light Peak) có thể thay thế cho hầu hết các cổng giao tiếp hiện nay như USB, HDMI, SCSI, SATA, PCI Express, Displayport, eSATA. Với những ưu điểm này, Thunderbolt xứng đáng trở thành chuẩn kết nối cho hầu hết các thiết bị ngoại vi trong vài năm tới. |