Sau một thời gian kiện tụng liên miên với yêu cầu rất quá đáng: cấm bán sản phẩm vi phạm ra ngoài thị trường, rất nhiều công ty tỏ ra khá mệt mỏi với chiêu bài đánh chặn xấu tính nhưng đúng luật này của Táo Khuyết. Không khó để có thể vượt qua các lệnh cấm của toà, những nhà sản xuất chỉ cần thay đổi thiết kế đi một chút, tránh né các phát minh mà họ vi phạm bằng cách sử dụng một số công nghệ tương tự như vậy.
Như vậy, dù nắm trong tay rất nhiều bằng sáng chế nhưng Apple không thể nào cấm hoàn toàn một sản phẩm được tung ra thị trường được mà chỉ có thể hạn chế nó một thời gian. Đã đến lúc Táo Khuyết nên nghĩ tới giải pháp mềm mỏng hơn, thay vì cấm một dòng điện thoại được bán ra thị trường thì công ty này nên đòi một khoản tiền cho mỗi đơn vị đến tay người tiêu dùng.
Có thể nói rằng hầu hết sản phẩm được yêu thích của Apple đều chỉ có lợi thế duy nhất là về mặt thiết kế hình dáng và cảm quan – những yếu tố bên ngoài chứ không phải là sức mạnh bên trong của thiết bị. Vì lý do đó, Táo Khuyết sẽ phải chặn đầu hàng loạt các loại smartphone đến từ nhiều hãng bằng những cuộc kiện tụng bản quyền triền miên. Điều này gần như là không thể thực hiện được trên phạm vi toàn thế giới bởi có quá nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, từng nơi lại có bộ luật khác nhau.
Như vậy, rõ ràng là Apple nên thay đổi chiến lược cạnh tranh một chút, hãng có thể tập trung vào việc nâng cấp sức mạnh bên trong đi đôi với thiết kế vẻ ngoài đẹp mắt. Táo Khuyết cũng nên tìm hiểu xem bên trong thiết kế của đối thủ có điểm gì hay áp dụng phát minh mà mình đang sở hữu, bằng cách đó, họ có thể nắm bắt được những ý tưởng tuyệt vời do người khác nghĩ ra và biến đổi để áp dụng lên sản phẩm của mình.
Tất nhiên, Apple là một hãng có tiềm lực kinh tế cực mạnh và kho bằng sáng chế khổng lồ, họ có thể tiếp tục duy trì cuộc chiến kiện tụng nhằm dìm đối thủ để bảo vệ sản phẩm iPhone như hiện tại một thời gian khá lâu nữa. Nhưng đây không phải là một ý hay bởi số tiền bỏ ra khá lớn, những đồng tiền đó sẽ có ích hơn rất nhiều nếu được đầu tư vào phát triển thêm các tính năng, công nghệ của sản phẩm. Cách này vừa tăng sức hút tới khách hàng vốn có vừa tăng tính cạnh tranh của thiết bị trước rừng đối thủ chạy Android đông đảo.
Trên thực tế, phương thức bảo hộ sản phẩm của hãng công nghệ hàng đầu thế giới Apple đã làm cho sản phẩm iPhone của họ khá trì trệ, thiếu những thay đổi có tính đột phá. Trong khi đó, bánh xe của đối thủ Android luôn tiến nhanh về phía trước, những nhà sản xuất khác lúc nào cũng có động lực chiếm ngôi “smartphone hàng đầu” và chiêu bài “bằng sáng chế” không thể cản bước họ lại, bánh xe Android có thể nhanh chóng tìm ra cách luồn, lách để tránh khỏi chướng ngại vật rồi bứt phá.
Cuộc chiến giữa Apple và Android có lẽ được khơi mào khi Steve Job cho rằng Google đã ăn cắp ý tưởng của họ từ sản phẩm iPhone. Nên nhớ rằng trong lịch sử, Táo Khuyết từng thất bại trước tên trộm cực kỳ thông minh và gian xảo, đó là Bill Gate. Microsoft từng đánh bại Mac OS bằng hệ điều hành Window sau khi chôm chỉa ý tưởng giao diện đồ hoạ. Liệu rằng lịch sử có lặp lại? Android sẽ đánh bại iPhone trong thời gian tới?
Những sản phẩm như iPod, iPhone, iPad chạy hệ điều hành iOS thực sự đã làm nên cuộc cách mạng trong mảng thiết bị di động và đưa Apple trở thành hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Thật là khó nghe khi Táo Khuyết bị các hãng khác gọi là “con chó đang kéo lùi bước phát triển” với những vụ kiện nhằm bảo hộ doanh số bán ra cho thiết bị của mình. Có lẽ đây chính là thời điểm Apple nên thay đổi chiến thuật của mình, tiếp tục tìm tòi phát triển nên những sản phẩm mới, cải tiến sản phẩm đã có để tiếp tục dẫn đầu xu hướng thay vì kìm hãm đối thủ như hiện tại.