Nhờ số căn cước duy nhất, người nghèo Ấn sẽ được hỗ trợ tốt hơn - Ảnh: AFP
Từ tháng 4.2010, New Delhi bắt đầu huy động khoảng 2,5 triệu nhân viên đi thu thập thông tin của 1,2 tỉ dân để chuẩn bị thành lập cơ sở dữ liệu cho hệ thống số căn cước mới. Theo tờ Le Figaro, các nhân viên kiểm kê sẽ phải đến tận hang cùng ngõ hẻm của 5.000 thành phố và 630.000 ngôi làng để lấy thông tin của mọi công dân trên 15 tuổi: tình trạng hôn nhân, tôn giáo, ngôn ngữ, học vấn, việc làm, gốc gác và cả xuất thân giai cấp. Ngoài ra, họ còn phải điều tra về tình trạng cung cấp nước sạch, điện ở các khu dân cư, vật liệu xây dựng, tỷ lệ sử dụng internet, điện thoại di động… Riêng việc in ấn, ghi chép cho toàn bộ công trình này ước tính tốn đến 11,63 triệu tấn giấy.
Ngoài ra, các biện pháp công nghệ cao cũng được áp dụng khi có những nhóm chuyên gia đến từng nhà lấy các dữ liệu sinh học như vân tay, hình quét tròng mắt, theo nhật báo The Hindu. Mục tiêu sau cùng của Chính phủ Ấn Độ là thiết lập hệ thống số căn cước duy nhất dùng chung cho nhiều lĩnh vực hành chính. Khi công trình hoàn tất, công dân từ 18 tuổi trở lên sẽ được cấp một số căn cước gồm 12 chữ số, gọi là Aadhaar. Tờ Le Figaro dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Palaniappan Chidambaram nói: “Đây là một trong những công trình quy mô nhất từ trước đến nay của nhân loại”.
Từ “Aadhaar” trong tiếng Hindi là nền tảng, trụ cột. Tờ Courrier International giải thích sự lựa chọn này ngụ ý rằng dân chúng Ấn Độ có thể tin tưởng và trông cậy vào một chính quyền vững mạnh. Kế hoạch Aadhaar được chính quyền New Delhi giao cho “ông trùm công nghệ” Nandan Nilekani. Được tạp chí Time xếp vào nhóm 100 người gây ảnh hưởng nhất thế giới năm 2009, ông Nilekani là người sáng lập Infosys, công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin lớn thứ hai ở Ấn. Hiện Nilekani được ngân sách nhà nước cấp số tiền tương đương khoảng 2,3 tỉ euro để thực hiện kế hoạch này.
Chỉ một cú nhấp chuột
Nhờ một số căn cước duy nhất cho phần lớn các hoạt động hành chính, các thủ tục sẽ được tinh giản tối đa, tiết kiệm khối lượng thời gian, công sức và tiền bạc khổng lồ cho người dân và chính phủ. Chưa hết, hàng trăm triệu người nghèo khổ đã rời bỏ làng quê sống nay đây mai đó, thậm chí không chốn nương thân, vẫn có thể hưởng phúc lợi xã hội ở bất kỳ nơi nào họ ghé chân qua mà không cần giấy tờ rườm rà.
Ngoài ra, kế hoạch Aadhaar cũng sẽ là tiền đề cho chương trình trợ cấp xã hội theo hình thức chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng cho những gia đình khó khăn. Về lâu dài, kiểu trợ cấp này sẽ thay thế hoàn toàn hệ thống phân phát lương thực và nhu yếu phẩm theo định mức hằng tháng. Chính quyền Ấn Độ khẳng định toàn bộ các chế độ phúc lợi xã hội sẽ được lưu nhập vào số Aadhaar: tiêu chuẩn thực phẩm, bảo hiểm y tế, trợ cấp thai sản…
"Đây là một trong những công trình quy mô nhất từ trước đến nay của nhân loại"
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Palaniappan Chidambaram
Kế hoạch này cũng sẽ mang lại lợi ích rất lớn về mặt an ninh và quản lý xã hội. Trong tương lai, theo The Hindu, chỉ cần một cú nhấp chuột, các cơ quan an ninh và nội vụ sẽ tìm hiểu được mọi thứ: dấu vân tay, hình quét tròng mắt cho đến nghề nghiệp, gốc gác, gia đình…
Trên nguyên tắc, việc cung cấp thông tin để đăng ký số Aadhaar là hoàn toàn tự do nhưng những người từ chối cho thông tin sẽ gặp nhiều rắc rối về sau. Chẳng hạn, theo tờ The Hindu, việc mua bán lương thực, thực phẩm nhiều khả năng cũng sẽ áp dụng số Aadhaar một khi chương trình này hoàn tất. Tương tự, số này cũng có thể sẽ là điều kiện cần thiết để người Ấn Độ xin việc làm. Ngoài ra, sẽ có rất nhiều dịch vụ đòi hỏi phải có số Aadhaar mới đăng ký, đăng nhập được: mua thẻ sim điện thoại di động, truy cập internet ở các quán cà phê...
Kế hoạch lịch sử này đòi hỏi rất nhiều thời gian thực hiện do quy mô dân số quá lớn của Ấn. Chính quyền cũng phải nỗ lực bổ sung, sửa đổi các quy định cho thật hợp lý. Cơ quan quản lý căn cước dự tính đến tháng 3.2011 sẽ hoàn tất đăng ký cho 100 triệu người và đạt 600 triệu người trong 4 năm tới, tương đương khoảng 50% dân số Ấn Độ.
Những nơi sử dụng thẻ căn cước đa mục đích
Tại Mỹ, số an sinh xã hội (SSN) với 9 chữ số được cấp cho các công dân và thường trú nhân, cũng như những người tạm trú. Công dụng ban đầu của SSN là theo dõi các cá nhân nhằm mục đích thu thuế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, SSN đã trở thành số căn cước quốc gia của Mỹ.
Ngoài Mỹ, nhiều nước cũng đã vận dụng thẻ căn cước đa mục đích. Philippines từ năm 2009 đã đưa vào sử dụng Thẻ căn cước đa mục đích thống nhất (UMID). Năm 2005, Bỉ quyết định cấp thẻ căn cước điện tử cho những công dân nộp đơn xin cấp thẻ căn cước mới, có thể dùng làm thẻ thư viện, thẻ vào những khu vực hạn chế… Tại Trung Quốc, mới có Hồng Kông vận dụng loại thẻ thông minh đa chức năng từ năm 2003.