Báo cáo này cho hay sau một thời gian dài bất ổn, nền kinh tế Việt Nam đang dần bước vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, đặc biệt là sau khi Chính phủ Việt Nam ban hành và thực hiện Nghị quyết 11 vào tháng 2/2011 nhằm ổn định nền kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu đi vào ổn định, việc thắt chặt đáng kể các chính sách kinh tế vĩ mô, cộng với thực trạng môi trường kinh tế toàn cầu không chắc chắn đã gây ra những ảnh hưởng nhất định trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
"Thực tế tăng trưởng GDP giảm từ 6,8% trong năm 2010 xuống còn 5,9% trong năm 2011 và tiếp tục xuống đến 4,0% trong quý I/2012. Nhu cầu trong nước chững lại, ảnh hưởng đến ngành xây dựng, dịch vụ và các ngành tiện ích khác. Việc thắt chặt các chính sách trong nước trong năm 2011 đã làm nản lòng giới đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bất động sản và tiêu dùng tư nhân. Từ tác động của các biện pháp này, cộng với hiện tượng giá lương thực giảm, lạm phát giảm xuống còn 10,5% trong tháng 4/2012 từ mức đỉnh điểm 23% trong tháng 8 năm 2011", báo cáo viết.
Một chỉ số quan trọng khác cũng được báo cáo đề cập là thâm hụt tài khoản hiện tại được ước tính đã giảm 0,5% GDP trong năm 2011 từ mức 4,1% trong năm 2010 chủ yếu là do sự hồi phục của xuất khẩu trên diện rộng.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đã tăng vọt lên 34,2% trong năm 2011 và tiếp tục tăng. Xuất khẩu trong quý I/2012 đạt mức tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động chính như may mặc, giày dép, và đồ nội thất tiếp tục tăng trưởng ở mức 14-18% trong ba tháng đầu năm nay.
Áp lực lên tỷ giá hối đoái tiếp tục giảm trong quý I/2012 khi niềm tin vào tiền đồng đã dần được cải thiện cũng là một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tỷ giá hối đoái không chính thức vẫn ở tiệm cận dưới của chênh lệch +/- 1% xung quanh tỷ giá chính thức kể từ khi có sự mất giá 8,5% đồng Việt Nam so với đồng USD trong tháng 2/2011.
Nguồn cung tăng của đồng đô-la Mỹ trên thị trường đã cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bổ sung dự trữ ngoại hối trong những tháng đầu năm 2012 lên đến gần 7,5 tuần nhập khẩu.
Về tín dụng, các biện pháp của Chính phủ đã dẫn đến sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng tín dụng, từ 32,4% vào cuối năm 2010 xuống đến 14,3% vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, chất lượng tài sản đã xuống cấp một phần do tăng trưởng tín dụng nhanh chóng vào thời điểm trước năm 2011 và suy giảm trong khu vực kinh doanh bất động sản. Các khoản vay chính thức không hoạt động hiệu quả đã tăng từ 2,2% trên tổng giá trị tài sản vào cuối năm 2010 lên 3,6% trong tháng 3/2012 và có khả năng còn cao hơn nếu được đo bằng hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế.
Chính sách thắt chặt tiền tệ cũng đã góp thêm căng thẳng vào vấn đề thanh khoản tại một số ngân hàng nhỏ. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng đã cung cấp các giải pháp thanh khoản và các hỗ trợ khác nhằm giúp đỡ các ngân hàng yếu kém.
Về nợ công, WB cho rằng nợ công của Việt Nam có khả năng duy trì tính bền vững nếu đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục và các cơ quan chức năng vẫn theo đuổi con đường củng cố tài chính như hiện tại. Phân tích bền vững nợ tại các quốc gia thu nhập thấp của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam vẫn thuộc nhóm nguy cơ thấp trước tình hình nợ nước ngoài.
Sự không chắc chắn lớn nhất đối với bền vững nợ xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước khi những khoản nợ của các doanh nghiệp này không được liệt kê trong các con số thống kê của nợ Chính phủ hay nợ được Chính phủ bảo lãnh.
"Không có một ước tính đáng tin cậy nào về những khoản nợ này. Chính điều đó làm hạn chế khả năng của Chính phủ trong quản lý các rủi ro liên quan. Các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh nỗ lực thu thập các thông tin cập nhật đáng tin cậy về các khoản nợ dự phòng (chủ yếu là ở các doanh nghiệp nhà nước hoặc khu vực doanh nghiệp nhà nước) và theo dõi, quản lý các rủi ro tài chính tiềm ẩn", vẫn theo báo cáo của WB.
WB cũng nhấn mạnh rằng những vấn đề chưa được giải quyết trong lĩnh vực ngân hàng có khả năng vẫn là mối quan tâm cho Việt Nam trong những năm tới. Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường nỗ lực giám sát và tăng yêu cầu vốn tối thiểu để đáp ứng những mối quan tâm về năng lực của ngành ngân hàng.
Việc ban hành Quyết định 254 về "Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2011-2015" đã cung cấp một khuôn khổ nhằm đương đầu với các vấn đề của các ngân hàng yếu kém và đặt ra một số mục tiêu cần đạt được đến năm 2015; đồng thời đặt ra một số lựa chọn trong chuyển dịch cơ cấu bao gồm cả việc cho phép Ngân hàng Nhà nước trực tiếp mua cổ phần của các ngân hàng yếu kém, tăng giới hạn quyền sở hữu đối với các ngân hàng nước ngoài trong các tổ chức tín dụng trong nước, khuyến khích các ngân hàng mạnh mua lại tài sản có chất lượng tốt và mua lại các khoản vay từ các ngân hàng yếu kém, và cho phép các ngân hàng bán các khoản nợ khó đòi.
Sau cùng, báo cáo của WB nói rằng thách thức ngắn hạn về mặt chính sách của Việt Nam là duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục lại niềm tin cho các nhà đầu tư, đồng thời phải giải quyết các vấn đề về cải cách cơ cấu dài hạn. Chính phủ đang đẩy mạnh nỗ lực để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, quản lý đầu tư công, và lĩnh vực tài chính.
Một số quy định quan trọng, bao gồm những quy định liên quan đến quy hoạch đầu tư trung hạn, quản lý và giám sát đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, và theo dõi hiệu suất của các doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ được ban hành trong năm 2012.
"Ngay cả khi chỉ thực hiện một phần của các cải cách về cơ cấu, Việt Nam cũng cần phải trở lại với một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững hơn, đồng thời đặt nền móng cho hiệu quả và năng suất cao hơn để thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn", báo cáo kết luận.
(VnEconomy)