Tháng 1-2012, Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam có diện tích 400 ha được tách khỏi KCN Dầu khí Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Lý do của việc “ở riêng” này là, nếu nằm trong KCN thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án sẽ được cấp cho nhà đầu tư hạ tầng cơ sở của KCN Dầu khí Long Sơn, chứ không phải cho chủ đầu tư dự án. Như vậy, khi các nhà đầu tư muốn vay vốn với tài sản thế chấp trên đất đi kèm theo quyền sử dụng diện tích đất của dự án này sẽ gặp khó khăn, bởi đất không được giao thẳng cho dự án.
Tuy nhiên, tách ra khỏi KCN Dầu khí Long Sơn, dự án tỉ đô la này vẫn chưa thể đẩy nhanh tiến độ hơn, bởi cho tới thời điểm này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa chính thức công bố giá cho thuê đất đối với dự án.
Các nguồn tin cho hay, thời gian qua, giá thuê đất được phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhắc tới để triển khai dự án này là khoảng 20 USD/m2/50 năm, nhưng chưa có san nền và không có các hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Với mức giá này, chỉ riêng tiền thuê đất, nhà đầu tư sẽ phải chi 80 triệu USD (khoảng 1.600 tỷ đồng).
Trong khi đó, tính toán của nhà đầu tư sau khi so sánh với các dự án lân cận hay so với các dự án hóa dầu khác đã và đang được triển khai, thì mức giá thuê đất chỉ vào khoảng 10 USD/m2/50 năm.
Giá thuê đất là yếu tố quan trọng trong bài toán kinh tế của các dự án lọc hóa dầu. Ảnh:Đức Thanh
Cũng bởi sự chênh lệch này, cuối tháng 3-2012, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và chủ đầu tư, thống nhất việc phân bổ chi phí đầu tư khu tái định cư cho phù hợp với nhu cầu, số hộ dân, điều kiện tái định cư thực tế của dự án, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả đầu tư và thống nhất việc đầu tư 2 đoạn đường vào KCN Dầu khí Long Sơn là đường dùng chung phục vụ cho cả dân sinh và dự án.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, trường hợp khó khăn về ngân sách, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thỏa thuận với chủ đầu tư ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn trả tiền ứng trước của chủ đầu tư theo quy định.
Trong diễn biến gần đây nhất, phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng tính toán lại tiền thuê đất theo đúng quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP thì số tiền thuê đất giảm đi 400 tỷ đồng so với cách tính trước đây. Việc hụt thu so với các tính toán trước đó có thể sẽ khiến địa phương phải đi tìm nguồn kinh phí khác để lo cung cấp các cơ sở hạ tầng liên quan như đường, điện, nước đến chân hàng rào của dự án.
Do nhà đầu tư nước ngoài chiếm đến 71% phần vốn góp của Tổ hợp Dự án hóa dầu miền Nam, nên khi chưa rõ ràng chi phí thực hiện dự án, các công việc liên quan đến triển khai xây dựng dự án cũng đành “bất động”.