"Sóng" thay CEO ngoại
Tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 2/2012 vừa qua, các cổ đông của Maritime Bank đã thông qua quyết định thay tổng giám đốc trong nước bằng một tổng giám đốc người Ấn Độ.
Với quyết định này, những người nắm giữ cổ phần tại Maritime Bank hy vọng CEO mới sẽ đem tới nhà băng này một "làn gió mới", hướng đến mục tiêu năm 2013 Maritime Bank sẽ trở thành NH cạnh tranh tốt nhất, lọt vào top 5 NH hàng đầu tại Việt Nam.
Nhưng phần nào kinh nghiệm và kết quả đạt được từ Mekong Bank (MDB) sau hơn một năm dùng "tướng" ngoại đã trấn an lo lắng của cổ đông Techcombank. Qua một năm dẫn dắt MDB CEO ngoại – ông Lau Boon Tuan người Malaysia đã giúp nhà băng này tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 3.750 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 500 tỉ đồng, thực hiện đạt 139% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,08%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 55,87%, tỷ lệ chia lợi tức cổ phần là 10,5%.
Thách thức cho người ngồi "ghế nóng"
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, hệ thống NHTM đang đứng trước một thách thức lớn trong năm 2012 khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thắt chặt, NHNN quyết tâm cơ cấu lại hệ thống tài chính NH, "dẹp bỏ" những NH yếu ra khỏi thị trường... thì chuyện NH nội thay "tướng" và sử dụng nhân sự nước ngoài vào vị trí cao nhất – CEO của NH hoàn toàn chuyện bình thường nếu không muốn bị sáp nhập hoặc tụt lại phía sau.
Bên cạnh đó, một số NH đang tìm cho mình lối đi riêng như trở thành NH bán lẻ hàng đầu, phát triển dịch vụ hiện đại... Chính vì thế, chiến lược kinh doanh mới chỉ có thể thực hiện được bởi các CEO giàu kinh nghiệm chuyên môn.
Ông Thành cũng cho rằng đây sẽ là cơ hội để chính các NH "thay máu". "Bao giờ một sự thay đổi mới cũng đem lại niềm hứng khởi, nhất là trong tư duy người đứng đầu. Có sự lựa chọn sẽ đem lại thành quả, nhưng cũng có sự lựa chọn sẽ là sự đánh đổi. Hiệu quả của việc "thay máu" tới đâu thì cần thêm thời gian mới có thể phán xét"- chuyên gia Bùi Kiến Thành bình luận.
Ở góc độ người trong cuộc, khi bàn đến chuyện có nên để người "ngoại" đứng đầu một NH nội, Chủ tịch HĐQT NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà nói vui rằng: "chúng tôi chẳng cần tới một CEO ngoại", vì thực tế bao năm nay BIDV vẫn phát triển hưng thịnh dưới sự dẫn dắt của những CEO nội, không ai hiểu thị trường nội bằng chính người "nội".
Không phủ nhận kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp của CEO ngoại "ăn đứt" CEO nội, nhưng Phó chủ tịch NHTMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng lại đặt ra vấn đề thực tế, chuyện chuyên nghiệp của CEO ngoại có thích nghi được với môi trường, văn hóa DN của Việt Nam hay không, cũng là chuyện cần bàn.
"Những CEO ngoại là người rất chuyên nghiệp, nhưng nếu phải điều hành một đội ngũ nhân viên cấp dưới không chuyên thì sự chuyên nghiệp, nếu có, chỉ là hình thức. Thêm nữa, để làm quen được với văn hóa DN của người Việt Nam, phong tục tập quán Việt... CEO ngoại phải mất thời gian dài mới có thể thích nghi được" – ông Hưởng đánh giá.
Ngoài chuyện kinh nghiệm và am hiểu thị trường, lương trả cho CEO ngoại cũng là điều mà ban lãnh đạo NH đau đầu nếu muốn sở hữu một tướng ngoại. Nếu như thu nhập vị trí lãnh đạo cấp cao trong NH không dưới tiền tỷ mỗi năm thì với “tướng” ngoại, các NH phải trả gấp 5-6 lần.
Ví như tại ĐHCĐ thường niên của LienVietPostBank đã thông qua mức lương trả cho các vị trị lãnh đạo, ban quản trị của NH này trong năm 2012 là 45 tỷ đồng. Đấy là nhà băng này chỉ dùng toàn nhân sự người Việt, còn nếu sử dụng nhân lực ngoại trong ban lãnh đạo, nhất là vị trí “cầm cân nảy mực”, điều hành NH thì chắc chắn ngân sách trả lương cho đội ngũ này không dừng lại ở con số chục tỷ đồng/năm như trên.
Vì thế, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh việc NH chuyển hướng dùng CEO ngoại là một xu hướng mới và tất yếu khi Việt Nam đã hội nhập, muốn vươn ra toàn cầu, nhưng thuê tổng giám đốc ngoại chỉ là bước khởi đầu. "Chuyện NH có đổi được “vận” hay không lại phải chờ thời gian" – ông Thành bày tỏ.
Và, ngay người trong cuộc – CEO Techcombank, ông Simon Morris, người từng có kinh nghiệm điều hành ngân hàng lớn nhất Mông Cổ, giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered tại Brunei, Sri Lanka, Philippines và Indonesia, cũng thừa nhận khi "gật đầu" ngồi vào "ghế nóng" của Techcombank là một thách thức không nhỏ đang chờ ông phía trước.