Mỗi suất học bổng cho tân sinh viên năm 2013 sẽ có giá trị tương đương trên 300 triệu đồng. Những năm trước, ĐH FPT trao học bổng Nguyễn Văn Đạo cho học sinh xuất sắc thuộc các trường THPT nằm trong Top 100 của bảng xếp hạng dựa trên kết quả dự thi ĐH do Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục & Đào tạo, công bố trong năm đó. Sau 3 năm đi vào hoạt động, chương trình học bổng Nguyễn Văn Đạo năm 2013 của ĐH FPT chính thức chuyển đổi sang hình thức tuyển chọn rộng rãi hơn với sự cạnh tranh bình đẳng của các học sinh giỏi trên toàn quốc.
Đi kèm hình thức mới, chương trình học bổng này cũng nhận được sự đầu tư lớn hơn. Theo đó, thay vì mỗi suất học bổng chỉ gồm 100% tiền học phí trọn gói cả khóa học như trước đây (tương đương trên 200 triệu đồng), học bổng Nguyễn Văn Đạo năm 2013 sẽ bao gồm toàn bộ học phí trọn gói cùng với 100 triệu đồng hỗ trợ chi phí ăn ở trong suốt 4 năm học tại ĐH FPT.
Đối tượng đủ điều kiện tham gia nộp hồ sơ xét tuyển cho học bổng này là học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện năm học lớp 11; hoặc học sinh là thành viên đội tuyển các tỉnh, thành phố tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2012 hoặc 2013 (các môn Toán - Lý - Hóa - Sinh - Tin - Anh). Học sinh có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện, gồm một bài luận trình bày quan điểm về vấn đề mà ĐH FPT đưa ra. Lọt vào vòng tiếp theo, ứng viên được tuyển thẳng vào ĐH FPT, tham gia phỏng vấn vào ngày 5-5-2013. Cùng việc làm bài test ngắn, học sinh sẽ được lựa chọn để quyết định cấp học bổng. Thời hạn nộp hồ sơ tham gia chương trình trước ngày 15-3-2013.
GS-VS. Nguyễn Văn Đạo (1937-2006) - Giám đốc đầu tiên của ĐH Quốc gia Hà Nội - là nhà cơ học hàng đầu của Việt Nam. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực Dao động phi tuyến và Cơ học giải tích. Ông từng giữ chức Viện trưởng sáng lập của Viện Cơ học, Giám đốc đầu tiên của ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng khoa học Tự nhiên. Năm 2000, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về công trình "Dao động phi tuyến của các hệ động lực". Ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Tiệp Khắc, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học châu Âu, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Ukraine.