Mới đây, Bùi Văn Sáng (SN 1983, tại Tiền Giang), chủ cơ sở chế biến nông sản tại đường số 2, khu phố 5, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP HCM bị TAND quận Thủ Đức xét xử về tội "Vi phạm quy định về an toàn thực thẩm (ATTP)" theo khoản 1 điều 317 Bộ Luật Hình sự có khung hình phạt từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm. Đây là trường hợp đầu tiên trên cả nước bị xử lý hình sự về hành vi cố ý gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây nguy hiểm cho xã hội và sức khỏe người tiêu dùng.
Đầu độc cộng đồng bằng hóa chất tẩy
Theo cáo trạng, Bùi Văn Sáng chỉ đạo các công nhân mua hóa chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc tại chợ Tam Bình, quận Thủ Đức. Tiếp đó, lấy một muỗng cà phê hóa chất pha vào nước để ngâm 50 kg củ cải, cà rốt. Mỗi ngày, nhóm này ngâm khoảng 7-8 tấn hàng cho khách, thu lợi 3-4 triệu đồng. Sáng trả công 300.000 đồng/ngày/công nhân.
Trước đó, ngày 13-4-2018, Công an TP HCM phát hiện hành vi của nhóm Sáng. Ngày 8-6-2018, hồ sơ vụ việc được chuyển cho Công an quận Thủ Đức điều tra, xử lý về hành vi vi phạm quy định về ATTP. Kết quả giám định cho thấy củ cải và cà rốt sau khi ngâm hóa chất, có sử dụng sodium dithionite (Na2S204) và sodium sulfate (Na2S04) mà theo quy định của Bộ Y tế, 2 hóa chất này không được sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Hóa chất tẩy trắng có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, niêm mạc thành ruột dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, tổn thương mao mạch. Người nào thường xuyên dùng thực phẩm bị tẩy trắng, lượng hóa chất sẽ tích tụ trong cơ thể, gây ung thư.
Các đoàn kiểm tra tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại địa phương
Theo các chuyên gia y tế, với thực phẩm sống như củ cải, cà rốt… nếu được tẩy rửa như vậy sẽ có dư lượng hóa chất độc hại cao, nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) - cho biết hiện nay, để tẩy trắng một số thành phẩm, không ít hộ sản xuất dùng đến chất tẩy trắng sunphit natri (Na2SO3) hay tinopal. Các chất này gây ảnh hưởng xấu tới đường ruột, có thể gây viêm loét dạ dày, đường ruột, suy gan, suy thận, ung thư. Ngoài ra, những chất gây độc này có khả năng gây hại niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.
35% ca mắc ung thư xuất phát từ thực phẩm
Thực phẩm bẩn là nguyên nhân hàng đầu, chiếm tỉ lệ 35% trong số các nguyên nhân gây bệnh ung thư. Thực phẩm bẩn "tẩm" hóa chất độc hại xuất hiện trong từng bữa cơm từ miếng thịt, rau củ cho đến gói gia vị nhỏ mà người dân đang dùng hằng ngày… gây ra những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe mà chúng ta không thể ngờ tới. Trước mắt, sử dụng thực phẩm bẩn có thể gây ra các triệu chứng ngay tức thì như tiêu chảy, rối loạn đường ruột, nghiêm trọng hơn là ngộ độc thực phẩm, nhiều trường hợp gây ảnh hưởng tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Về lâu dài, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng,… trong thực phẩm bẩn sẽ từ từ ngấm vào tế bào, cơ thể sau đó tích tụ lại, gây các bệnh mạn tính và có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào.
Để hạn chế tình trạng vi phạm vệ sinh ATTP, cần tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, độc hại, kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung. Song song, thay đổi ý thức của người kinh doanh là yếu tố quan trọng tiên quyết. Có như vậy mới hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Số liệu báo cáo cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm; bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới. Trong đó có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.