Thị trường làm ăn bất hợp pháp béo bở
Sản xuất hàng giả là một ngành công nghiệp trị giá 400 tỉ USD ở Trung Quốc. Các nhà máy sản xuất giày Nike thật chỉ cách các khu chợ bất hợp pháp bán Nike giả một vài bến dừng tàu điện ngầm. Các phiên bản giả mạo của chiếc iPhone mới nhất được chào bán ở sân bay Thượng Hải trước khi hàng thật kịp đến tay của nhiều người Mỹ ở nông thôn.
Những chiếc iphone giả được bày bán công khai ở sân bay Trung Quốc.
Có các đại lý xe hơi thật sự nhưng lại bán các ô tô giả mạo, và các cửa hàng Apple Stores giả mạo nơi các nhân viên không hề biết rằng mình đang tham gia vào một đường dây bán hàng giả. Hàng hóa chợ đen cũng là một mặt hàng xuất khẩu béo bở: Trung Quốc xuất khẩu hàng triệu đôi giày giả đến châu Âu và hàng tỉ USD thuốc giả đến châu Phi và Đông Nam Á.
Hàng giả từ lâu đã được coi là một chi phí kinh doanh ở Trung Quốc. Sản xuất tại quốc gia này bao gồm ký hợp đồng với nhiều nhà môi giới và các nhà cung cấp, do thường 1 nhà cung cấp không thể đảm bảo đủ số lượng lao động và nguyên liệu thô cần thiết. Đôi khi, các nhà máy khác nhau có những chuyên môn khác nhau.
Kết quả là nhiều người có quyền truy cập thông số kỹ thuật và bí mật thương mại. Do đó, khi Ford đầu tư hàng tỉ USD vào công đoạn sản xuất ở Trung Quốc kể từ năm 2014, hàng giả Ford đã đến được các đại lý hợp pháp trên khắp quốc gia này và các linh kiện giả mạo Ford được xuất khẩu đến tận các nước xa xôi như Ireland.
Các công ty nước ngoài phải tự bảo vệ mình
Hàng giả chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm có nhãn hiệu được bảo hộ bản quyền ở Trung Quốc mỗi năm, phá hoại danh tiếng của các nhà bán lẻ hợp pháp và làm giảm đáng kể doanh thu của họ. Doanh thu của Microsoft vào năm 2016 là 85 tỉ USD, nhưng mất khoảng 10 tỉ USD lợi nhuận tiềm năng vì vi phạm bản quyền thương mại ở Trung Quốc, nơi 79% tổng số phần mềm bị sao chép lậu. Theo các chuyên gia thương mại, ngành công nghiệp hàng giả của Trung Quốc là lớn nhất trên thế giới.
Trung Quốc làm giả bất cứ thứ gì, từ túi xách đến ô tô.
Một số tập đoàn sản xuất tại Trung Quốc như Disney, Target, Coca-Cola, Apple, Mattel chủ yếu dựa vào các nhân viên bảo vệ thương hiệu của chính họ để thu giữ hàng giả, điều tra các nhà sản xuất hàng giả và thực hiện các hành động pháp lý. Trong nhiều báo cáo khác nhau, hàng loạt các công ty thuộc Fortune 1000 bao gồm Dell, Intel, Microsoft, Procter & Gamble và Ford đã thuê Pinkerton, công ty thám tử tư lâu đời nhất ở Mỹ để thực hiện công việc điều tra.
Pinkerton – từ tiền bối của FBI và CIA đến dịch vụ bảo vệ thương hiệu
Tổ chức Pinkerton bắt đầu cuộc chiến chống hàng giả gần 170 năm trước khi Allan Pinkerton, một người Scotland nhập cư, đã bắt một băng đảng sản xuất tiền giả dọc theo sông Fox ở Illinois. Abraham Lincoln đã ghi nhận chiến tích của tổ chức trẻ tuổi này sau khi Pinkerton triệt hạ một âm mưu ám sát ông trong chuyến đi tàu của Lincoln đến buổi nhậm chức.
Trong suốt cuộc Nội chiến, Tổng thống đã dựa vào các thám tử của Pinkerton để thực hiện các nhiệm vụ hiện nay được thực hiện bởi FBI, Secret Service và CIA. Vào những năm 1890s, họ đã chuyển sang công tác an ninh (hộ tống bức Mona Lisa qua Đại Tây Dương). Từ những năm 1980s đến thời điểm hiện tại, họ đảm nhiệm vai trò một công ty quản lý rủi ro toàn cầu.
Chủ tịch của Pinkerton, Jack Zahran, cho biết: "Chúng tôi cố gắng tiếp cận một cách toàn diện. Giảm rủi ro vật chất, rủi ro tài chính, rủi ro có thể dự đoán trước, rủi ro bảo mật trong hoạt động, rủi ro công nghệ thông tin."
Kể từ cuộc bùng nổ sản xuất ở Trung Quốc vào những năm 1980s, một trong những rủi ro lớn nhất đối với các thương hiệu là sản xuất hàng giả kém chất lượng. Vào những năm 90s, Pinkerton bắt đầu cung cấp dịch vụ bảo vệ thương hiệu từ các văn phòng tại Hồng Kông và Đài Loan trước khi mở các chi nhánh tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Azim Uribe – hiệp sĩ đấu tranh chống gian lận thương mại
Azim gia nhập Pinkerton khi anh đang sinh sống ở New York. Khi đang học để lấy bằng thạc sĩ xã hội học tại Queens College, anh đã đọc được quảng cáo về một vị trí mới vào nghề tại một công ty nhỏ ở Wall Street chuyên phân phát trát tòa. Tình cờ, người phỏng vấn anh là Stephen Ward, giám đốc điều hành của Pinkerton – tổ chức thâu tóm công ty nhỏ ở Wall Street vào thời điểm đó. Đến cuối buổi phỏng vấn, Azim đã được nhận làm việc.
Ban đầu anh được chỉ định điều tra những vụ gian lận bảo hiểm. Sau đó, Ward giao cho Azim công việc liên quan đến bảo vệ thương hiệu ở New York, làm cho các sản phẩm giả mạo biến mất khỏi thị trường và hạn chế sản xuất ngoài giờ tại các nhà máy hợp pháp.
Sau gần 2 năm ở Pinkerton, Azim bỏ việc và bay đến thành phố Nghĩa Ô, Trung Quốc, một trong những trung tâm buôn bán hàng hóa rẻ chính của thế giới. Khi mới đến đây, anh không nói được tiếng Trung và không có việc làm. Nhưng anh họ của Azim đồng sở hữu một công ty thương mại nhỏ ở đó đã đồng ý nhận anh vào học việc. Azim đã dành ra 3 tháng để học hỏi ngành công nghiệp ở đây và sau đó tự phát triển. Với người nhà ở Afghanistan, Colombia, và New York, Azim có thể giao bán cho nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đang tìm kiếm nguồn hàng "Made in China" giá rẻ.
Càng ở Nghĩa Ô lâu, Azim học được càng nhiều về cách hàng hóa được giao dịch ở các chợ đen và các chợ xám. Các món hàng giả có lợi nhuận cao nhất là dược phẩm, trang sức, đồ chơi người lớn, và quần áo cho thú nuôi.
Khi giám đốc của Pinkerton ở châu Á biết được về một cựu thám tử đã kinh doanh ở Nghĩa Ô 3 năm và nói được tiếng Trung, ông đã mời Azim về làm việc. Anh chấp thuận và trở thành người phụ trách bộ phận bảo vệ thương hiệu của Pinkerton tại Trung Quốc.